Nhà báo không thể lặng im

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc trụ sở của nhiều cơ quan thông tấn báo chí quốc tế và địa phương bị Quân đội Israel phá huỷ trong các cuộc xung đột tại dải Gaza diễn ra hồi tháng 5/2021 một lần nữa phơi bày những hiểm nguy mà các nhà báo phải đối diện. Chiến tranh, xung đột, đại dịch…, rất nhiều hiểm họa có thể xảy ra. Nhưng ngay giữa những thời khắc hiểm nguy nhất, thông tin vẫn được truyền tải, bởi nhà báo không thể im lặng trước mọi biến động của thời cuộc.
Một phóng viên truyền hình đối diện quân lính Israel tại khu vực Bờ Tây vào tháng 3/2021
Một phóng viên truyền hình đối diện quân lính Israel tại khu vực Bờ Tây vào tháng 3/2021

Những “toà thành sụp đổ”

Nằm tại Omar al-Mukhtar, con phố trung tâm của TP. Gaza, Shorouq Building là một trong những tòa nhà có tuổi đời lâu nhất tại dải đất ven biển này. Xây dựng năm 1995, Shorouq Building là nơi đặt trụ sở của nhiều kênh truyền hình và toà soạn của các cơ quan thông tấn báo chí.

Cách đó không xa, toà nhà 12 tầng Al-Jalaa cũng là nơi đặt trụ sở của ít nhất 9 cơ quan thông tấn báo chí, trong đó có AP (Associated Press), cơ quan báo chí lớn nhất thế giới và hãng truyền thông quốc tế Al Jazeera.

Mọi nhà báo, phóng viên tại Gaza thường nói, họ luôn có một điểm chung, đó là đều từng gắn bó với những toà nhà này, lúc này hoặc lúc khác.

Vậy nhưng, ngày 11 - 12/5/2021, “trái tim” của Gaza đổ sụp khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đánh sập Shorouq Building và Al-Jalaa. Mọi người trong tòa nhà chỉ có 1 giờ để sơ tán trước khi máy bay chiến đấu tấn công, rất nhiều người thậm chí chỉ có 10 phút để thoát thân, bỏ lại phía sau tất cả.

Shorouq Building và Al-Jalaa sụp đổ tạo nên cú sốc lớn, không chỉ với những nhà báo vừa thoát khỏi thảm cảnh, mà còn với truyền thông toàn cầu. Gary Pruitt, Chủ tịch và CEO hãng thông tấn AP cho biết, AP “bị sốc và cảm thấy kinh hoàng trước vụ tấn công”, trong khi Tổng giám đốc Al Jazeera Mostefa Souag mô tả vụ tấn công là "hành động man rợ”, kêu gọi can thiệp quốc tế trước hành động nhắm vào nhà báo và các tổ chức truyền thông.

Ignacio Miguel Delgado, người đại diện Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (Committee to Protect Journalists - CPJ) khu vực Trung Đông và Bắc Phi cho biết: “Trong chưa đầy 1 tuần, Israel phá hủy văn phòng của ít nhất 18 cơ quan truyền hình, thông tấn, báo chí. Khó có cách hiểu nào khác ngoài việc Quân đội Israel muốn dập tắt tiếng nói của truyền thông đại chúng. Israel cần ngừng phá hoại văn phòng của các cơ quan truyền thông, đồng thời có nỗ lực bảo đảm sự an toàn và tự do của các nhà báo địa phương và quốc tế”.

Đây không phải lần đầu tiên các tổ chức truyền thông và nhà báo trở thành mục tiêu trong các cuộc xung đột tại dải Gaza. Năm 2014, chính quyền Israel từng bị tố cáo tiến hành hàng loạt vụ tấn công bừa bãi vào các toà nhà có trụ sở của cơ quan báo chí.

Các hãng thông tấn lớn toàn cầu cùng chung quan điểm, việc tấn công vào các nhà báo là tấn công vào quyền tự do và dòng chảy của thông tin. Jeremy Dear, Tổng thư ký Liên đoàn quốc tế các nhà báo (IFJ) tin rằng, các cuộc tấn công kể trên là nỗ lực dập tắt những câu chuyện được kể từ Gaza.

“Đây là đợt tấn công thứ 3 vào trụ sở của các hãng truyền thông. Thêm vào đó, chúng tôi ghi nhận việc hơn 30 nhà báo bị tấn công hoặc bắt giữ. Rõ ràng đây không phải tai nạn ngẫu nhiên. Đây là hành động nhắm tới truyền thông nhằm ngăn chặn tin tức từ khu vực này”, Jeremy Dear cho biết.

Không thể im lặng

Fares Akram, phóng viên AP kể lại: “Đó là vào 1h55 phút chiều ngày thứ Bảy. Tôi đang tranh thủ chợp mắt tại văn phòng thì tiếng la hét thất thanh của các đồng nghiệp vang lên. Tôi được bảo rằng còn 10 phút để chạy khỏi tòa nhà, trước khi Quân đội Israel tấn công. Trước đó 1 ngày, vào thứ Sáu, các cuộc không kích đã phá hủy nông trại của gia đình tôi tại phía Bắc Gaza. Và hiện tại, Văn phòng AP, nơi tôi nghĩ sẽ không bị xâm phạm biến thành đống gạch vụn vỡ nát trước mắt”.

“Toà nhà của chúng tôi đã bị phá hủy và không thể trở lại. Nhưng còn rất nhiều chuyện khác xảy ra cần chúng tôi quan tâm và đưa tin. Chúng tôi là nhà báo. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi không phải là bản thân mình, mà là kể câu chuyện cho những người khác. Phải ghi lại tất cả, đây là lịch sử, là ký ức cần được kể. Vì vậy, tôi dành vài phút ngắm nhìn những thứ từng có ý nghĩa rất lớn với cuộc đời mình và bắt đầu tỉnh táo để làm việc”, Fares Akram chia sẻ.

Có lẽ các nhà báo tại Gaza nói riêng và trên toàn cầu nói chung đều cùng suy nghĩ với Fares Akram. Ngay trong hoàn cảnh tính mạng bị đe dọa hàng ngày, không ít nhà báo địa phương và quốc tế tại Gaza vẫn thực hiện nhiệm vụ, truyền tải những câu chuyện thời sự nhất tới độc giả.

Trong năm 2020, Trung tâm Phát triển và tự do truyền thông Palestine (MADA) đã ghi nhận 408 vụ việc bạo lực/xâm phạm hoạt động báo chí tại khu vực Bờ Tây, bao gồm cả dải Gaza và Đông Jerusalem. Kể từ đầu năm 2021 tới nay, hơn 12 nhà báo Palestine đã bị chính quyền Isreal bắt giữ.

Rajai al-Khatib, nhà báo Palestine, làm việc cho Jordan và Italy TV tại Jerusalem trong nhiều năm qua cho biết, anh không đếm nổi những lần bị tấn công.

“Tôi đã bị thương rất nhiều lần trong những năm tác nghiệp. Nhưng trong tháng vừa qua, khi làm nhiệm vụ đưa tin xung đột tại Đông Jerusalem, mức độ và tần suất của các vụ tấn công ngày càng gia tăng. Tôi bị trúng đạn cách đây vài tuần và phải nhập viện. Những lần máy ảnh bị đập hỏng và bị đánh từ phía sau nhiều vô số kể”, Rajai al-Khatib cho biết.

Không riêng Rajai al-Khatib, rất nhiều nhà báo địa phương và quốc tế, có nhiều loại thẻ báo chí/thẻ tác nghiệp khác nhau đều vấp phải sự chống đối và gây trở ngại khi làm việc.

“Làm báo, đưa tin truyền hình là công việc cực kỳ áp lực và nguy hiểm. Gia đình tôi lúc nào cũng lo lắng cho tôi”, Rajai al-Khatib chia sẻ.

Nhưng Rajai al-Khatib, cùng nhiều đồng sự đã không im lặng, dòng chảy tin tức chưa từng tắc nghẽn ngay trong những ngày khốc liệt nhất.

Nghề nguy hiểm

Theo Sách trắng về nghề báo toàn cầu 2020 do IFJ thực hiện và công bố, có 2.658 nhà báo bị sát hại trong 30 năm qua. Hơn 50% số này thiệt mạng tại các điểm nóng chiến tranh, tội phạm và tham nhũng như Iraq, Mexico, Philippines, Pakistan, Ấn Độ… Riêng năm 2020, 65 nhà báo thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ.

Báo cáo nhận định, làm báo trở thành một công việc nguy hiểm tại rất nhiều nơi trên thế giới. Ernest Sagaga, một trong những lãnh đạo IFJ cho biết: “Trong nhiều trường hợp, mục tiêu chính của thủ phạm là khiến các phóng viên im lặng và bảo đảm kết quả làm việc của họ không được biết tới. Tuy nhiên, họ vẫn liên tục cung cấp những câu chuyện, bất chấp việc bị đe doạ, bởi công chúng cần biết về sự thật, cần có thông tin chính xác. Đây cũng chính là động lực để các nhà báo dấn thân”.

Không chỉ xả thân trong bom đạn hay các điểm nóng tội phạm, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 càn quét toàn cầu, các nhà báo cũng chính là lực lượng tuyến đầu chống dịch, đối diện với nhiều rủi ro. Barbie Zelizer, Giám đốc Trung tâm Rủi ro truyền thông tại Trường Truyền thông Annenberg cho biết, có 4 loại rủi ro mà các nhà báo đối diện khi đưa tin về đại dịch, hoặc tác nghiệp trong bối cảnh đại dịch. Đó là rủi ro sức khoẻ, chính trị, bảo vệ thông tin và rủi ro nghề nghiệp.

Lịch sử sẽ ghi nhớ đại dịch Covid-19 thông qua các sản phẩm truyền thông, báo chí… do các nhà báo thực hiện, mà rất nhiều người trong số này đang đặt sức khoẻ, cuộc sống của chính mình trước những lằn ranh đầy nguy hiểm, với mục tiêu duy nhất là ghi nhận và truyền tải nội dung chân thật nhất.

Chuyên đề