Một số ngân hàng thương mại đã chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa thực thụ. Ảnh: Hoàn Vinh |
Mặc dù không nằm trong 9 khu vực/lĩnh vực được đánh giá là chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất của CMCN 4.0, nhưng làn sóng công nghệ mới này cũng đang tạo ra những thay đổi rõ rệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đặc biệt là làm thay đổi kênh phân phối và các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng truyền thống.
Thị trường tiềm năng
Công nghệ đã tạo ra những cơn sóng ở nhiều nơi tại khu vực nông thôn Đông Nam Á, nơi phần lớn dân cư không có tài khoản ngân hàng. Phần lớn thay đổi đó được thúc đẩy bởi những chiếc điện thoại thông minh giá rẻ và các gói dữ liệu giá cả phải chăng. Tổng cộng, số lượng kết nối di động đang hoạt động trên toàn khu vực vượt hơn tổng dân số khoảng 33%. Trong số đó, 53% được kết nối thông qua 3G và 4G.
Thực tế là, phần lớn khu vực Đông Nam Á đã sẵn sàng để áp dụng các giải pháp tài chính thông qua các thiết bị di động. Như vậy, fintech (công nghệ tài chính) sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc mở rộng các dịch vụ tài chính tới những đối tượng không có tài khoản ngân hàng trong tương lai gần. Nhờ các dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số, những người trước đây không có tài khoản ngân hàng sẽ được tiếp xúc với vô số cơ hội mà sau đó sẽ giúp tạo ra một hệ sinh thái ngân hàng lớn hơn.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, hiện nay còn khoảng một nửa dân số Việt Nam chưa có tài khoản tại ngân hàng, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và khá nhiều người trong số đó còn chưa biết tới bất kỳ một dịch vụ tài chính nào. Nguyên nhân là do còn tồn tại một số rào cản đối với tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính chính thức như: mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch của ngân hàng còn chưa tiếp cận được đến vùng sâu, vùng xa, chi phí dịch vụ cao, quy trình, thủ tục mở tài khoản còn phức tạp.
Việt Nam có dân số gần 100 triệu người với phần lớn là người trẻ, khoảng một nửa dân số được tiếp xúc nhiều với Internet và đến 70% sử dụng điện thoại thông minh. Đây là những lý do chính khiến Việt Nam là một thị trường fintech đầy tiềm năng.
Nhiều ứng dụng ngân hàng số ra đời
Với sự thích ứng và bước đầu ứng dụng một số công nghệ, giải pháp của CMCN 4.0, một số ngân hàng thương mại đã chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ theo hướng số hóa thực thụ như TPBank với ngân hàng tự động LiveBank. Đây là một ứng dụng cho phép phục vụ khách hàng giao dịch vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, trong tuần mà không phụ thuộc vào giờ làm việc hành chính như các điểm giao dịch ngân hàng thông thường. Mô hình LiveBank giúp ngân hàng gia tăng chất lượng dịch vụ và mạng lưới phục vụ khách hàng, nhất là với khu vực đông dân cư và các vùng xa trung tâm, nơi chưa có điểm giao dịch. Hệ thống máy giao dịch tự động TPBank LiveBank được triển khai từ tháng 2/2017, đến nay ngân hàng này đã có hơn 50 điểm giao dịch 24/7 tại nhiều quận ở Hà Nội và TP.HCM cũng như khoảng 8 tỉnh/thành phố lớn khác trên cả nước.
Một “ông lớn” trong ngành ngân hàng là Vietcombank cũng đã xây dựng không gian ngân hàng số Digital Lab. Thay vì phải xếp hàng chờ đợi tại quầy, khách hàng dễ dàng khởi tạo các giao dịch nộp tiền, rút tiền, chuyển khoản, đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, mở tài khoản hay trải nghiệm các tiện ích khác với Digital Lab. Kết nối hệ thống tự động từ Vietcombank Digital Lab với hệ thống giao dịch của Vietcombank sẽ giúp khách hàng thực hiện các giao dịch nhanh chóng.
Nhiều ngân hàng khác cũng đã cho ra mắt các ứng dụng số như: VPBank với ứng dụng ngân hàng số Timo, VietinBank với Corebank thế hệ mới, tích hợp đa dịch vụ và kho dữ liệu doanh nghiệp (EDW) hiện đại, MBBank với ứng dụng trở lý ảo ChatBot phục vụ 24x7 trên mạng xã hội…
Nhờ ứng dụng công nghệ, các ngân hàng bước đầu tiếp cận và mở rộng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp đến những người dân hiện chưa có tài khoản ở vùng sâu, vùng xa với chi phí hợp lý, góp phần đẩy mạnh phổ cập tài chính quốc gia.