Theo báo cáo của TPBank, tỷ lệ giao dịch qua kênh ngân hàng số trên tổng giao dịch đã tăng từ 72% cuối năm 2018 lên 83% ở thời điểm cuối tháng 6/2020. Ảnh: Ngọc Anh |
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những thay đổi rõ rệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Đón đầu xu hướng này, nhiều ngân hàng đã cho ra mắt các ứng dụng số từ sớm như: TPBank với hệ thống LiveBank (quầy giao dịch tự động), VPBank với ứng dụng ngân hàng số Timo, MBBank với ứng dụng trợ lý ảo ChatBot phục vụ 24x7 trên mạng xã hội…
Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 là động lực cho các nhà băng đẩy nhanh số hóa, cũng là chất xúc tác khiến khách hàng nhanh chóng chấp nhận kênh giao dịch trực tuyến. Điều này phần nào lý giải cho sự bùng nổ dịch vụ ngân hàng số trong thời gian vừa qua. Ngay cả những ngân hàng lớn với các điểm giao dịch truyền thống rộng khắp cả nước như Vietcombank hay BIDV cũng đã phát động các chiến dịch chuyển đổi số.
Mới đây, Vietcombank chính thức cho ra mắt dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank. Sản phẩm mới được xây dựng dựa trên việc hợp nhất các nền tảng giao dịch riêng rẽ trên Internet Banking và Mobile Banking, cung cấp nhiều tiện ích giúp khách hàng không cần đến điểm giao dịch, gồm: chuyển tiền 24/7, tiết kiệm online, thanh toán hóa đơn điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, giao thông, thanh toán dịch vụ hành chính công, thanh toán QR Pay, đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn, mua sắm trực tuyến...
Không chỉ đa dạng các tiện ích, VCB Digibank trang bị công nghệ xác thực đăng nhập hiện đại như Face ID (nhận diện khuôn mặt), Touch ID (cảm biến vân tay) và công nghệ mới là Push Authentication, giúp khách hàng có thể kiểm soát từng lần đăng nhập trên trình duyệt web.
Trong nỗ lực chuyển đổi hoạt động số, giữa tháng 8 vừa qua, BIDV đã phát động Chiến dịch chuyển đổi số nền khách hàng với chủ đề “BIDV Digi Up - Thay đổi để dẫn đầu”. Tại sự kiện, lãnh đạo BIDV cho biết, hiện BIDV đã kết nối với hầu hết các công ty fintech, gần 1.000 nhà cung cấp dịch vụ để đưa ra thị trường hơn 1.600 dịch vụ thanh toán chi tiêu cho khách hàng... Với những lợi thế lớn về khách hàng và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, BIDV đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 80% lượng khách hàng tiếp cận và sử dụng các kênh số của BIDV.
Nhờ những lợi thế về tốc độ, đơn giản và hiệu quả so với giao dịch truyền thống tại quầy, lượng giao dịch qua kênh ngân hàng số và ngân hàng tự động của các nhà băng đang tăng mạnh.
Theo báo cáo của TPBank, tỷ lệ giao dịch qua kênh ngân hàng số trên tổng giao dịch đã tăng từ 72% cuối năm 2018 lên 83% ở thời điểm cuối tháng 6/2020. Tỷ lệ giá trị giao dịch trong cùng thời điểm cũng đã tăng từ 66% lên 72%. Kết quả tích cực này đến từ việc triển khai sớm hệ thống LiveBank từ sớm. Hệ thống này giúp TPBank thiết lập một phòng giao dịch tự động với đầy đủ các dịch vụ của một phòng giao dịch truyền thống trong vòng 12 giờ nhưng chi phí vận hành chỉ bằng 1/3. Hơn nữa, với LiveBank, chỉ trong vòng 8 phút khách hàng có thể mở tài khoản và nhận thẻ, trong khi họ phải mất 3 - 4 ngày nếu làm thủ tục tại các phòng giao dịch truyền thống.
Với nỗ lực chiếm thị phần từ nền tảng số, mới đây, TPBank công bố eKYC - phương thức định danh khách hàng điện tử trên ứng dụng di động. Cụ thể, TPBank đã hoàn tất toàn bộ quy trình eKYC trên di động tới bước xác thực định danh cao nhất nhờ công nghệ gọi điện trực tuyến (video call), đảm bảo xác minh thông tin qua app có hiệu quả như gặp mặt trực tiếp. Đây được coi là bước hoàn thiện quy trình định danh khách hàng trực tuyến, cho phép khách hàng mở hạn mức tối đa cũng như thực hiện đầy đủ các giao dịch như khi đăng ký tại quầy.
Theo báo cáo mới đây của Công ty CP Chứng khoán SSI, kênh số hóa giúp giảm bớt tầm quan trọng của mạng lưới chi nhánh, trong khi đẩy mạnh vai trò các sản phẩm tài chính đa dạng nhằm thu hút huy động, đặc biệt là tiền gửi không kỳ hạn (CASA) từ phân khúc bán lẻ. Ước tính tốc độ mở các văn phòng giao dịch mới sẽ chậm lại, các ngân hàng có nền tảng kỹ thuật số tốt và/hoặc áp dụng chính sách miễn phí đang chiếm nhiều thị phần CASA hơn.
Không chỉ các ngân hàng thương mại sốt sắng trong việc chuyển đổi số, cơ quan quản lý cũng yêu cầu các nhà băng phải đẩy nhanh phát triển các dịch vụ số hóa và thanh toán không dùng tiền mặt.
Tại Văn bản số 5596/NHNN-VP được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành mới đây, Thống đốc Lê Minh Hưng đã yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và chỉ đạo các tổ chức tín dụng thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Trong đó, thúc đẩy phát triển dịch vụ ngân hàng số và khẩn trương mở rộng thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công, đặc biệt là lĩnh vực y tế, giáo dục. Nghiên cứu kỹ lưỡng và hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với các định hướng phát triển hoạt động thanh toán trong thời gian tới và nâng cao hiệu quả quản lý của NHNN đối với dịch vụ thanh toán.
Đồng thời, NHNN cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile money), trình Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo tại Thông báo số 250/TB-VPCP ngày 24/7/2020.