Năm 2018, có 181 doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện thoái vốn. Ảnh: Lê Tiên |
Thế nhưng, hơn nửa năm đã trôi qua, tính đến thời điểm này mới có 10 doanh nghiệp (DN) thực hiện thoái vốn. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, với những diễn biến hiện tại, kế hoạch thoái vốn tại khoảng 170 DNNN còn lại khó có thể hoàn thành.
Chậm trễ trong thoái vốn
Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN mới đây đã chỉ ra một kết quả buồn về tình hình thoái vốn tại DNNN: Các bộ, ngành, địa phương có nhiều doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn vẫn đang triển khai thực hiện nhưng kết quả đạt thấp hoặc chưa có kết quả.
Đơn cử, năm 2018, Bộ Công Thương phải thực hiện thoái vốn tại 3 DN lớn; Bộ Xây dựng phải thoái vốn xong 8 “ông lớn”, nhưng kết quả thoái vốn vẫn đếm trên đầu ngón tay. Còn tại các địa phương, tình hình thoái vốn cũng không mấy khả quan.
Báo cáo Kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tháng 7 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 8/2018 của UBND TP. Hà Nội cho thấy, năm 2018, Hà Nội phải thực hiện thoái vốn 17 DN, song đến nay mới chỉ hoàn thành thoái vốn nhà nước đầu tư tại 3 DN.
Với kết quả nêu trên, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển DN thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, năm nay, việc thực hiện thoái vốn tại DN theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg sẽ khó đạt. Báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp thừa nhận: “Tiến độ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm so với kế hoạch đề ra”.
Trước đó, năm 2017, hoạt động thoái vốn nhà nước tại DN cũng khá trì trệ. Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg, năm 2017, cả nước có 135 DN phải thực hiện thoái vốn, nhưng chỉ mới thoái vốn được 17 DN.
Ngóng “siêu Ủy ban”
Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN chỉ ra rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ nêu trên. Đó là, nhiều DN thoái vốn trong giai đoạn này có quy mô lớn, đất đai nhiều, phạm vi hoạt động rộng nên việc xác định giá trị DN, kiểm toán kết quả xác định giá trị DN, bán cổ phần lần đầu gặp nhiều khó khăn, thời gian kéo dài. Nhiều quy định mới về cổ phần hóa, thoái vốn mới được ban hành theo hướng chặt chẽ hơn, bảo đảm tối đa lợi ích của Nhà nước...
Một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và DNNN chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện; chưa chủ động theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập trong cổ phần hóa, thoái vốn…
Đặc biệt, nhiều đơn vị còn tâm lý thận trọng, không dám làm, chờ đợi để chuyển giao nhiệm vụ cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết: “Tôi nhìn thấy tâm lý chần chừ, chờ đợi của các DNNN khi Ủy ban được thành lập”. Theo ông Cung, mặc dù về lý thuyết, sự chuyển giao nguyên trạng sẽ ít mang lại xáo trộn, nhưng tâm lý chờ đợi, không muốn thực hiện khi chưa biết chắc sẽ về đâu trong các DNNN là có.
Một chuyên gia kinh tế khác cũng chia sẻ, trong Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn nhà nước tại DN có chỉ rõ, khi DN chuyển về Ủy ban thì cơ quan này phải có trách nhiệm đôn đốc thực hiện nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn theo các đề án đã được phê duyệt. “Do đó, sự chần chừ này có thể xuất phát từ tâm lý chờ đợi của DN”, chuyên gia nói.