Nguy cơ lãng phí đầu tư từ thu phí không dừng

(BĐT) - Hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) đã được lắp đặt trên một số đoạn tuyến quốc lộ nhưng hiện lưu lượng xe qua ETC vẫn “vắng như chùa Bà Đanh”. Thậm chí ở những giờ cao điểm, một số trạm ETC còn được mở để thu phí 1 dừng. Thực trạng này đang cho thấy những nguy cơ lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư các trạm thu phí ETC.
Việc triển khai thu phí không dừng đang gặp nhiều vướng mắc. Ảnh: Minh Trí
Việc triển khai thu phí không dừng đang gặp nhiều vướng mắc. Ảnh: Minh Trí

Dùng dằng bài toán lợi ích!

Cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép áp dụng ETC trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh. Nhà đầu tư Công ty CP TASCO đã được chỉ định đầu tư thí điểm và vận hành các trạm ETC. Tuy nhiên, theo đại diện Công ty CP TASCO, việc lắp đặt và vận hành các trạm ETC gặp nhiều khó khăn do không nhận được sự đồng thuận của các nhà đầu tư, một số nhà đầu tư BOT không ủng hộ do muốn nắm giữ thế độc quyền, mỗi nhà đầu tư đưa ra những yêu sách khác nhau… Trong quá trình triển khai, đàm phán dịch vụ, nhà đầu tư BOT thường yêu cầu giữ lại một phần chi phí thu, khoảng 20 - 30%, để phục vụ cho giám sát, hậu kiểm, khiến nguồn thu ETC thời gian qua sụt giảm.

Ông Lương Ánh Dương – Giám đốc Ban Đầu tư xây dựng thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) cho rằng, việc hợp tác trong triển khai ETC thành công hay không còn phụ thuộc nhiều vào sự hài hòa lợi ích của các bên. Bản thân Cienco4 ủng hộ việc áp dụng ETC vì thu phí qua ETC rất minh bạch. Tuy nhiên, việc Bộ Giao thông vận tải chỉ định và bắt buộc nhà đầu tư phải sử dụng dịch vụ của TASCO là không thực sự thỏa đáng và công bằng với các nhà đầu tư BOT. Trong khi đó, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đều có thể cung cấp các dịch vụ này với các thỏa thuận hợp lý hơn… Trong việc cung cấp dịch vụ ETC, cũng cần phải cạnh tranh, minh bạch, vận hành theo cơ chế thị trường thì mới tránh được độc quyền và lợi ích nhóm - ông Dương nhấn mạnh. 

Thiếu chính sách khuyến khích người sử dụng

Trong việc cung cấp dịch vụ ETC, cũng cần phải cạnh tranh, minh bạch, vận hành theo cơ chế thị trường thì mới tránh được độc quyền và lợi ích nhóm.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu ngày 21/2/2017, ông Nguyễn Trung Sỹ, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sở dĩ ETC vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của người dân là do thói quen dùng tiền mặt của người dân, họ chưa quen và thành thạo với việc dùng thẻ trong tiêu dùng nên việc dùng thẻ để sử dụng ETC hiện vẫn là một rào cản. Muốn thay đổi tập quán này  cần thời gian và cần cả quá trình. Chúng ta nên đẩy mạnh khâu tuyên truyền về ETC, có chính sách khuyến khích như phát miễn phí lần đầu đối với đầu đọc thẻ dán trên ô tô, được giảm chi phí sử dụng BOT nếu thanh toán bằng thẻ ETC…

Vẫn theo ông Sỹ, có một nguyên nhân khác nữa là do việc lắp đặt ETC còn chậm, thiếu đồng bộ, nên người dân vẫn ngại sử dụng loại dịch vụ này (trạm thì thu phí 1 dừng, trạm thì dùng ETC...). Hơn nữa, bản thân nhà đầu tư BOT và nhà đầu tư ETC cũng có những lợi ích khó hài hòa, một số nhà đầu tư BOT muốn giữ những lợi ích của mình, khi phải chia sẻ với một nhà đầu tư khác nữa thì khó tìm được tiếng nói chung…

Đánh giá về vấn đề này, đại diện Cienco4 cho rằng, mặc dù đã đầu tư xây dựng các hệ thống ETC nhưng TASCO hiện vẫn chưa triển khai những chính sách khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ này. Vì thế hiện nay, xe qua các trạm thu phí BOT chủ yếu vẫn dùng các cửa 1 dừng. Trên mặt cắt ngang của các trạm thu phí, thường có 4 cửa thu phí 1 dừng, 2 cửa thu phí ETC, nhưng lưu lượng xe qua các cửa 1 dừng là chủ yếu. Vì thế, ở những giờ cao điểm, các cửa thu phí ETC đành phải mở để bán vé thủ công hoặc sử dụng như trạm 1 dừng nhằm giảm ùn tắc giao thông. Đại diện Cienco4 nhấn mạnh, đã là nhà đầu tư thì phải chấp nhận “lời ăn lỗ chịu”, có chính sách thu hút theo cơ chế thị trường, không thể dùng các mệnh lệnh hành chính, cơ chế độc quyền để áp đặt người sử dụng.

Chuyên đề