Nguy cơ bị nhà thầu ngoại kiện vì thiếu vốn đối ứng cho dự án giao thông

Tình trạng thiếu vốn đối ứng các dự án ODA giao thông đang diễn ra gay gắt và bắt đầu để lại những hệ lụy tiêu cực.
Đến thời điểm hiện nay Dự án đường Tân Vũ – Lạch Huyện đã nợ thanh toán vốn VAT, thuế nhập khẩu và VAT cho Nhập khẩu của Nhà thầu khoảng 189,292 tỷ đồng VAT và 17,592 tỷ tiền thuế NK và thuế VAT Nhập khẩu.
Đến thời điểm hiện nay Dự án đường Tân Vũ – Lạch Huyện đã nợ thanh toán vốn VAT, thuế nhập khẩu và VAT cho Nhập khẩu của Nhà thầu khoảng 189,292 tỷ đồng VAT và 17,592 tỷ tiền thuế NK và thuế VAT Nhập khẩu.

Theo Bộ Giao thông vận tải, năm 2016, các dự án ODA  ngành Giao thông vận tải chỉ được Chính phủ giao kế hoạch vốn nước ngoài 16.155 tỷ đồng trên tổng số nhu cầu 33.818 tỷ đồng (đáp ứng 47,8%) và vốn đối ứng 1.689 tỷ đồng trên tổng số nhu cầu 12.790 tỷ đồng (đáp ứng 13,2%) cho 21 dự án hoàn thành, 22 dự án chuyển tiếp.

“Ngay từ đầu năm 2015, Bộ GTVT đã nhiều lần báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung vốn đối ứng (8.170 tỷ đồng) cho các dự án ODA. Tuy nhiên, đến nay chưa xử lý được”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết.

Việc thiếu vốn đối ứng cho các dự án ODA sẽ làm phát sinh rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, trả thuế nhập khẩu thiết bị, trả thuế VAT... ảnh hưởng tới tiến độ triển khai của các dự án, có khả năng phát sinh khiếu nại/khiếu kiện từ nhà thầu nước ngoài dẫn đến phải đền bù (như trường hợp dự án cầu Nhật Tân trước đây), ảnh hưởng tới cam kết của Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ.

Tại Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng có tổng mứcđầu tư 11.849 tỷ đồng do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư đang thiếu 257 tỷ đồng vốn đốn ứng dù đã được lên kế hoạch hoàn thành trong năm 2017.

Theo Ban quản lý dự án 2, đến thời điểm hiện nay chủ đầu tư đã nợ thanh toán vốn VAT, thuế nhập khẩu và VAT cho Nhập khẩu của Nhà thầu khoảng 189,292 tỷ đồng VAT và 17,592 tỷ tiền thuế NK và thuế VAT Nhập khẩu. Đồng thời, Nhà thầu đã gửi yêu cầu khiếu nại thanh toán chậm trả theo quy định của Hợp đồng.

“Để đảm bảo tiến độ triển khai, giải ngân, thanh toán của Dự án và tránh công tác khiếu nại, kiện tụng về thanh toán chậm của Nhà thầu, kính đề nghị Chính phủ xem xét bố trí bổ sung nguồn vốn đối ứng năm 2015 cho dự án khoảng 257 tỷ đồng”, thông tin từ đại diện chủ đầu tư cho biết.

Dự báo tình trạng thiếu vốn đối ứng sẽ còn diễn ra gay gắt tại các dự án ODA giao thông trong cả giai đoạn 2016 – 2020.

Theo tiến độ và khối lượng còn lại của các dự án, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ GTVT đề nghị bố trí 272.564 tỷ đồng cho các dự án ODA, bao gồm: 221.197 tỷ đồng vốn nước ngoài (131.902 tỷ đồng đã ký kết hiệp định với các nhà tài trợ; 89.295 tỷ đồng tiếp tục kêu gọi tài trợ) và 51.367 tỷ đồng vốn đối ứng (36.590 tỷ đồng cho các dự án hoàn thành, các dự án chuyển tiếp và khởi công mới dự án cầu Thịnh Long; 14.777 tỷ đồng cho các dự án có nhu cầu kêu gọi tài trợ). Các dự án này có tổng mức đầu tư 540.574 tỷ đồng (trong đó vốn nước ngoài 436.268 tỷ đồng; vốn đối ứng 104.306 tỷ đồng); đã giải ngân từ đầu dự án đến hết năm 2015 được 118.504 tỷ đồng (vốn nước ngoài 94.381 tỷ đồng; vốn đối ứng 24.123 tỷ đồng).

Tuy nhiên, theo số dự kiến (số kiểm tra) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo tại văn bản số 916/BKHĐT-TH ngày 05/02/2016  mới cân đối được 72.117 tỷ đồng vốn nước ngoài và 16.116 tỷ đồng vốn đối ứng. Như vậy, vốn nước ngoài thiếu 149.080 tỷ đồng, vốn đối ứng còn thiếu khoảng 35.251 tỷ đồng so nhu cầu (20.475 tỷ đồng cho các dự án chuyển tiếp và 14.776 tỷ đồng cho các dự án kêu gọi tài trợ).

Chuyên đề

Kết nối đầu tư