Người tự ứng cử - “nhân tố bí ẩn” của mỗi cuộc bầu cử

(BĐT) - Cuộc bầu cử nào cũng tạo ra “những bất ngờ thú vị”, người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp là một trong những nhân tố tạo nên những bất ngờ và sự dịch chuyển trong cơ cấu, số lượng, thành phần đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Chất lượng người ứng cử là nhân tố quyết định cơ cấu, số lượng, thành phần đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Ảnh: LTT
Chất lượng người ứng cử là nhân tố quyết định cơ cấu, số lượng, thành phần đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Ảnh: LTT

Không có trong dự kiến

Trước mỗi cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Thường trực HĐND các cấp sẽ dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp được bầu theo quy định của pháp luật. Và đó là một bức tranh tổng thể, toàn diện của Quốc hội, HĐND các cấp ở nhiệm kỳ tiếp theo. Căn cứ vào dự kiến này, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sẽ dự kiến giới thiệu người bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.

Trong dự kiến này, UBTVQH, Thường trực HĐND các cấp không thể dự kiến được có bao nhiêu công dân đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tự ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp. Bởi đây là “Quyền và nghĩa vụ chính trị cơ bản của công dân” đã được ghi nhận trong Hiến pháp, pháp luật về bầu cử và được Nhà nước bảo vệ, bảo đảm để công dân thực hiện được quyền ứng cử của mình.

Ngược lại, nếu UBTVQH, Thường trực HĐND các cấp dự kiến số lượng người tự ứng cử, thì vô hình trung đã phần nào hạn chế quyền tự ứng cử của công dân, có thể ảnh hưởng đến tâm lý của người tự ứng cử. Do đó, từ trước đến nay trong việc dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp không có số lượng đại biểu tự ứng cử. Đây chính là nguyên nhân sâu xa của việc người tự ứng cử không có trong dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. 

Xuất hiện vào phút chót

Việc dự kiến của UBTVQH, Thường trực HĐND các cấp về cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp cũng chỉ là “dự kiến”, còn thực tế cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, tức là bức tranh tổng thể của Quốc hội, HĐND các cấp khóa mới - chỉ được xác định sau khi Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử các cấp xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và trình Quốc hội, HĐND khóa mới Biên bản tổng kết cuộc bầu cử.

Do đó, khó có thể đảm bảo sự “trùng khít”, mà chỉ có thể bảo đảm sự “hài hòa” giữa cơ cấu, số lượng, thành phần với chất lượng đại biểu. Cơ cấu, số lượng, thành phần này có thể bị “biến động” bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có sự trúng cử của người tự ứng cử có chất lượng. Bởi khi chất lượng người ứng cử (trong đó có người tự ứng cử) tương đối đồng đều, thậm chí người tự ứng cử còn có những điều kiện vượt trội hơn so với người được giới thiệu ứng cử, cử tri có nhiều cơ hội để lựa chọn hơn và tất nhiên họ sẽ bầu cho những ứng cử viên sáng giá nhất, và sự dịch chuyển về cơ cấu là một điều tất yếu.

Và câu nói “chúng ta không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn người ứng cử” luôn luôn đúng, bởi tiêu chuẩn, chất lượng người ứng cử mới là nhân tố quyết định cơ cấu, số lượng, thành phần đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp.

Như vậy, mối quan hệ giữa cơ cấu, số lượng, thành phần với chất lượng đại biểu, nếu chỉ nhìn qua thì thấy có sự “vênh nhau”. Nhưng nếu ai tinh ý sẽ thấy đây là mối quan hệ biện chứng, chúng bổ sung cho nhau. Muốn giải quyết hài hòa mối quan hệ này thì trước hết phải giải quyết được “đầu vào” - người ứng cử - có chất lượng và phù hợp với cơ cấu, thành phần, số lượng đã được dự kiến. Nhưng điều này thật sự rất khó xảy ra. Và những người tự ứng cử - luôn là những “nhân tố đầy bí ẩn” chỉ xuất hiện ở những giây cuối cùng của cuộc bầu cử - chính là “sự lựa chọn sáng suốt của cử tri” mặc dù họ không bao giờ nằm trong số cơ cấu, thành phần, số lượng đã được các cơ quan có thẩm quyền dự kiến. Đó chính là quy luật của sự phát triển, những nhân tố hợp lý sẽ tồn tại và phát triển bền vững. 

Cuộc bầu cử nào cũng tạo ra “những bất ngờ thú vị”, người tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có chất lượng, có khả năng trúng cử cao, cũng là một trong những nhân tố tạo nên những bất ngờ và sự dịch chuyển trong cơ cấu, số lượng, thành phần đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đã được dự kiến. Như vậy, chất lượng người ứng cử (trong đó có người tự ứng cử) sẽ ảnh hưởng trực tiếp, thậm chí là quyết định cơ cấu, số lượng, thành phần đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Do đó chúng ta cần phải có những người ứng cử thật sự có chất lượng, đủ số lượng mới hy vọng giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa số lượng, cơ cấu, thành phần với chất lượng đại biểu dân cử.

Chuyên đề