Cần khoảng 2.000 tỷ đồng để sửa chữa Quốc lộ 5. Ảnh: Lê Tiên |
Trước nghịch lý này, mới đây, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã đề xuất với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho kiểm tra, đánh giá hiện trạng chất lượng công trình, nếu không đảm bảo thì xem xét cho dừng thu phí tại tuyến quốc lộ này.
Đường xuống cấp thảm hại, giá vé tăng cao
Tuyến QL5 được hoàn thành nâng cấp vào tháng 6/1998, giao cho Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) thu phí từ năm 2009. Số tiền này được đưa vào hoàn vốn chi phí đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Từ ngày 1/12/2015, phương tiện đi qua 2 trạm thu phí trên QL5 sẽ phải nộp từ 30 – 160 nghìn đồng, tăng gấp đôi so với mức thu trước đó. Đến ngày 1/4/2016, phí qua trạm trên QL5 tăng thêm khoảng 50%, lên tương ứng từ 45 – 200 nghìn đồng/lượt xe.
Trong khi đó, theo đánh giá của VIDIFI, nhiều đoạn tuyến trên QL5 (từ mặt đường, cầu và các công trình phụ trợ) đã xuống cấp trầm trọng, nhiều vị trí hằn lún vệt bánh xe trên 5cm, một số cầu bị nứt dầm, nhiều đoạn hàng rào, hộ lan can bị gỉ, mất... Sau hơn 18 năm khai thác, QL5 đã quá thời hạn đại tu, lần trung tu mặt đường QL5 gần nhất là năm 2010.
Điều đáng nói là mặc dù giá vé thu phí ở QL5 cao như vậy nhưng kinh phí bảo dưỡng thường xuyên cho QL5 dự kiến khá thấp: năm 2016 là 22 tỷ đồng, năm 2017 là 23 tỷ đồng, năm 2018 là 24 tỷ đồng…
Tại cuộc họp mới đây với Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Thanh cho biết, các hiệp hội vận tải địa phương kêu rất nhiều, chất lượng đường thì xuống cấp trầm trọng, trong khi giá vé liên tục tăng cao ngất ngưởng. Việc sử dụng trạm thu phí tại QL5 để hoàn vốn cho Dự án BOT cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là một bất cập, vì người dân không sử dụng đường cao tốc vẫn phải đóng tiền. Hơn nữa, việc nộp phí là một hình thức người dân bỏ tiền ra mua dịch vụ, chất lượng dịch vụ cần phải tương xứng với giá trị đồng tiền, đề nghị Bộ GTVT cho kiểm tra, đánh giá hiện trạng chất lượng công trình QL5, nếu không đảm bảo thì xem xét cho dừng thu phí tại tuyến quốc lộ này, áp dụng như quy định về chất lượng của các công trình BOT.
Lãnh đạo Bộ GTVT: Đau đầu vì QL5
Về trách nhiệm bảo trì, bảo dưỡng QL5, đại diện VIDIFI cho biết, theo Quyết định số 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế, chính sách thí điểm đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và hợp đồng BOT xây dựng đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thì VIDIFI được giao thu phí các phương tiện giao thông đường bộ trên QL5 mà không phải thực hiện công tác quản lý, bảo trì, sửa chữa QL5. Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo trì QL5 mới được Tổng cục Đường bộ Việt Nam bàn giao lại cho VIDIFI thực hiện từ đầu năm 2016 và hiện VIDIFI đã thuê tư vấn khảo sát và đánh giá lại hiện trạng xuống cấp trầm trọng của QL5 để có kế hoạch sửa chữa. Theo thống kê của VIDIFI, lưu lượng xe lưu thông trên QL5 qua trạm thu phí khoảng 30.000 xe/1 ngày đêm, còn nếu tính cả số xe có lưu thông trên QL5 nhưng trốn trạm thu phí thì con số này ước tính khoảng 40.000 - 45.000 xe/ngày đêm.
Về đề xuất dừng thu phí trên QL5 của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định, việc dừng thu phí QL5 trong bối cảnh hiện tại là điều không thể. Lý do là QL5 có lưu lượng giao thông rất lớn, lớn hơn rất nhiều so với số lượng phương tiện lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nếu bây giờ mà dừng thu phí, tổng lượng các phương tiện giao thông sẽ “đổ bộ” vào QL5, làm nát QL5 hiện tại trong chốc lát. “Bộ GTVT cũng rất đau đầu vì QL5. Để có thể sửa chữa công trình QL5 hiện tại cần khoảng 2.000 tỷ đồng, nhưng ngân sách đang eo hẹp nên dự kiến sẽ chia quá trình sửa chữa QL5 thành nhiều giai đoạn. Với đặc thù giao thông của tuyến QL5, giải pháp sửa chữa QL5 được Bộ xác định là cào bóc, tái chế, mà chi phí sửa chữa này cũng đắt gần bằng làm mới, chỉ rẻ hơn làm mới khoảng 20% kinh phí” - ông Trường thông tin.