Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam

(BĐT) - Bộ Chính trị vừa ký và ban hành Nghị quyết (NQ) về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết nhấn mạnh tới việc bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, thu hút tư nhân tham gia vào phát triển ngành năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành năng lượng…
Nghị quyết mới về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam

Sau 15 năm thực hiện Kết luận số 26-KL/TW, ngày 24.10.2003 của Bộ Chính trị khoá IX về Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam và 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25.10.2007 của Bộ Chính trị khoá X về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, ngành năng lượng nói chung và ngành điện lực nói riêng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực; bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu cụ thể đề ra.

Tuy vậy, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Việc phát triển năng lượng của Việt Nam trong những năm tới yêu cầu có tư duy mới. 

Với Nghị quyết về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu tổng quát sẽ Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Nghị quyết cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể về năng lượng sơ cấp, tổng công suất của các nguồn điện, tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo, xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối, mức độ đáp ứng của các cơ sở lọc dầu, tỷ lệ tiết kiệm năng lượng, mức giảm phát thải nhà kính…

Để thực hiện các mục tiêu trên, Nghị quyết cũng đã đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp cho định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gồm:

Phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hoá, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững. 

Phát triển nhanh và bền vững ngành điện đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. 

Cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả. 

Phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng. 

Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực năng lượng; khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hoá phát triển năng lượng. 

Đổi mới cơ chế, chính sách, phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông, hiện đại và hiệu quả, phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Phát triển khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng. 

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế; tích cực, chủ động xây dựng các đối tác chiến lược để thực hiện mục tiêu nhập khẩu năng lượng trong dài hạn và đầu tư tài nguyên năng lượng ở nước ngoài. 

Thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. 

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển ngành năng lượng. 

Chuyên đề

Kết nối đầu tư