Ngành thép: “Ông lớn” khiếu kiện, doanh nghiệp “cửa dưới” kêu cứu

(BĐT) - Ngành thép đang trong giai đoạn cực kỳ chật vật khi phải cạnh tranh với thép ngoại nhập, sản xuất trong nước đình trệ, tồn đọng cao. Thị trường thép lại đang “nóng” hơn bao giờ hết khi những doanh nghiệp lớn yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện các biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép cán dài nhập khẩu.
Lượng thép nhập khẩu năm 2015 tăng đến 150 - 160% so với năm 2014. Ảnh: Lê Tiên
Lượng thép nhập khẩu năm 2015 tăng đến 150 - 160% so với năm 2014. Ảnh: Lê Tiên

Các “ông lớn” ngành thép khiếu kiện

Thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này đã nhận được Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam của nhóm 4 doanh nghiệp (DN) đại diện cho ngành thép Việt Nam là: Công ty CP Thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty CP Thép Việt Ý - sau đây gọi là “Nguyên đơn” (theo Bộ Công Thương). Sau khi xem xét hồ sơ, Bộ Công Thương xác nhận đơn yêu cầu của Nguyên đơn là đầy đủ và hợp lệ theo quy định của pháp luật. Do đó, ngày 25/12/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 14296/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo thông báo của Bộ Công Thương, nhóm 4 DN đã lập Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đã đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ đại diện. Cụ thể, về phôi thép, các DN này chiếm 38,6% tổng sản lượng được sản xuất trong nước. Về sản phẩm thép dài, các DN này chiếm 34,2% tổng sản lượng được sản xuất trong nước. Tuy nhiên, theo thông tin từ phía các DN, thực tế đã có sự gia tăng đột biến về nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng điều tra.

Nguyên đơn còn cho biết, hệ số sử dụng công suất của ngành thép trong 9 tháng đầu năm 2015 đều giảm đối với 2 sản phẩm phôi thép và thép dài. Năm 2015, hệ số công suất sử dụng phôi thép giảm xuống chỉ còn 40-50%; dây chuyền thép dài chỉ còn 50-55%. Về thị phần, lượng bán hàng nội địa sản phẩm phôi thép của ngành sản xuất trong nước chỉ tăng 5-10%, trong khi đó, lượng hàng hóa nhập khẩu lại tăng đến 150-160%. Điều này gây nên sự suy giảm thị phần nghiêm trọng của ngành sản xuất phôi thép trong nước.

Sau khi xem xét đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của Nguyên đơn, Bộ Công Thương nhận thấy đã có những dấu hiệu về việc gia tăng đột biến lượng nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng điều tra
Bộ Công Thương cũng cho biết, trước khi có quyết định chính thức áp dụng biện pháp tự vệ, Nguyên đơn đề nghị Bộ áp dụng mức thuế tự vệ tạm thời là 45% đối với phôi thép và 33% đối với sản phầm thép dài sản xuất từ phôi thép nhập khẩu, không phân biệt nước xuất khẩu, trong thời gian 200 ngày nhằm tháo gỡ khó khăn cho Nguyên đơn và đảm bảo khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong nước.

Về phía mình, Bộ Công Thương cho rằng, sau khi xem xét đơn yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ của Nguyên đơn, Bộ nhận thấy đã có những dấu hiệu về việc gia tăng đột biến lượng nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng điều tra và theo đó, gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Do đó, Bộ Công Thương khẳng định, đã đủ điều kiện để tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ. 

Doanh nghiệp “cửa dưới” kêu cứu

Ngay sau khi Bộ Công Thương có quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, hàng loạt DN ngành thép đã có kiến nghị khẩn thiết xem xét lại việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ này.

Theo Đơn kiến nghị khẩn thiết của các DN thép POMINA, NATSEELVINA, VINAUSTEEL, ÚC SSE và KYOEI thì việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ có thể gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành thép cũng như những hệ lụy tác động đến quyền lợi của người tiêu dùng. “Nếu áp dụng các biện pháp tự vệ, khi tăng thuế suất phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam lên 45% (hiện nay đang là 9%), phôi thép trong nước sẽ tăng giá và phần lớn các công ty sản xuất thép sẽ buộc phải phụ thuộc vào phôi thép của một hoặc một vài công ty cung cấp ra thị trường”, các DN này nhận định.

Các DN này không ngại ngần chỉ thẳng, Hòa Phát sẽ là DN hưởng lợi nhất khi biện pháp điều tra tự vệ được thực hiện. “Các số liệu công khai, báo cáo tài chính đều minh chứng rõ ràng: Hòa Phát, một trong 4 Nguyên đơn, hiện đang chiếm 22% thị phần của toàn ngành không hề bị khó khăn, thua lỗ trong sản xuất, kinh doanh thép mà ngược lại, vẫn có lãi, thậm chí lãi rất cao”, Đơn kiến nghị nêu rõ.

Các DN “cửa dưới” cũng cho rằng, nếu quyết định áp dụng biện pháp tự vệ thì vô hình trung, chính sách này lại làm lợi cho một vài DN lớn, đại gia ngành thép. Nói cách khác là gia tăng lợi thế cho một vài DN chủ động sản xuất được phôi thép, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không cân sức, lành mạnh giữa các DN thép.

Một diễn biến khác, Công ty CP Sản xuất thép Việt Đức đã độc lập gửi công văn kiến nghị xem xét lại việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ mà Bộ Công Thương dự kiến triển khai. Theo Việt Đức, DN này ủng hộ biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép cuộn và thép thanh nhập khẩu. Hiện nay, hai sản phẩm sản xuất trong nước đã đảm bảo đủ và dư thừa. Do đó, cần đưa ra các biện pháp mạnh và hàng rào kỹ thuật để kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu trái phép.

Tuy nhiên, Việt Đức vẫn bày tỏ thái độ phản đối việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép, vì đây là nguyên liệu đầu vào quan trọng để cán thép. “Ngành thép có chi phí đầu vào rất lớn, trong đó chi phí cho phôi thép đã chiếm gần 85% tổng chi phí. Do đó, khi giá phôi thép thay đổi do thuế tăng, chắc chắn sẽ làm cho giá thị trường của sản phẩm thép tăng lên. Trong khi đó, sản lượng phôi thép sản xuất trong nước không đủ đáp ứng cho các nhà máy sản xuất thép thanh và thép cuộn, nên việc khai thác phôi thép trong nước gặp khó khăn cho các đơn vị sản xuất”, DN Việt Đức chia sẻ.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư