Ngành điện quyết chữa “căn bệnh” dự án chậm tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc chậm trễ trong việc thực hiện các dự án đầu tư nguồn và lưới điện là một trong những nguyên nhân khiến năm 2023 ngành điện không hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm cung ứng năng lượng cho phát triển. Theo ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2024, EVN sẽ khắc phục dứt điểm tình trạng trầm kha là công trình nguồn điện, lưới điện chậm tiến độ, phát sinh chi phí và tổng mức đầu tư.
Nhiều công trình dự án nguồn và lưới chậm tiến độ. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Nhiều công trình dự án nguồn và lưới chậm tiến độ. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Nhiều công trình dự án nguồn và lưới chậm tiến độ

Báo cáo về thực tế hoạt động đầu tư xây dựng các dự án điện của EVN trong năm 2023, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN cho biết, Tập đoàn đã hoàn thành đưa vào vận hành nhiều công trình quan trọng. Tuy vậy, công tác đầu tư xây dựng chưa đạt được mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đầu năm. Năm 2023, giá trị khối lượng đầu tư toàn Tập đoàn ước đạt 90.997 tỷ đồng, bằng 95,9% kế hoạch. Giá trị giải ngân ước đạt 87.545 tỷ đồng, bằng 92,3% kế hoạch.

Theo EVN, một số dự án nguồn điện và lưới điện chậm tiến độ như Nhiệt điện Quảng Trạch I, Điện mặt trời Phước Thái 2&3, các đường dây giải tỏa công suất Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4...

Nguyên nhân của tình trạng này là công tác chuẩn bị đầu tư kéo dài; công tác thỏa thuận vị trí trạm biến áp, hướng tuyến đường dây gặp khó khăn do quỹ đất hạn chế, thiếu đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ngày càng khó khăn phức tạp; công tác trình, phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích đất rừng, tác động vào đất rừng mất nhiều thời gian...

“Trong năm 2023 phát sinh một số vướng mắc mới như: các địa phương còn lúng túng liên quan đến thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó, một số một số dự án đã được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc đã khởi công, nhưng phải thực hiện bổ sung thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư để được giao đất triển khai thi công”, ông Tuấn thông tin.

Ông Nguyễn Tuấn Tùng, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) chia sẻ, ngoài những vướng mắc trên, giá nguyên vật liệu, hàng hóa tăng đột biến cũng khiến công tác lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu/dự án điện không thuận lợi. Cùng với đó, một số nhà thầu gặp khó khăn về tài chính dẫn đến thời gian thực hiện hợp đồng kéo dài, phải điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng...

Tập trung bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án

Theo Chủ tịch EVN Đặng Hoàng An, ngành điện và EVN trải qua một năm 2023 rất cam go, khó khăn, nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo cung ứng điện đã không hoàn thành khi để xảy ra thiếu điện. Ông An nhấn mạnh, 23 ngày thiếu điện năm 2023 đã gây ra hậu quả lớn với nền kinh tế và môi trường kinh doanh.

Dự báo về tình hình cung ứng điện cho năm 2024, EVN nhận định sẽ có nhiều khó khăn, thử thách. Vì thế, Tập đoàn xây dựng kế hoạch năm 2024 với yêu cầu bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 - 6,5%, đồng thời cân bằng tài chính để bảo đảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển của Tập đoàn được bền vững.

Ông An cho biết, hiện EVN cùng TKV, PVN chỉ chiếm 48% công suất nguồn điện, 52% còn lại là của các đơn vị bên ngoài. Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ cung ứng điện cho nên kinh tế, vai trò chỉ đạo điều hành với 52% nguồn điện ngoài hệ thống rất quan trọng.

Về đầu tư xây dựng, Chủ tịch EVN nhấn mạnh yêu cầu, phải dứt điểm khắc phục tình trạng trầm kha, công trình chậm tiến độ, phát sinh chi phí, tăng tổng mức đầu tư. Bên cạnh đó, khắc phục tình trạng lỏng lẻo trong công tác phối kết hợp giữa các tổng công ty với địa phương trong việc tháo gỡ vướng mắc trong công tác đầu tư dự án điện...

Với EVNNPT, ông Nguyễn Tuấn Tùng cho biết, để đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư lưới điện trọng điểm trong năm 2024, Tổng công ty sẽ triển khai các nhóm giải pháp với tinh thần quyết tâm, quyết liệt tập trung nhân lực vật lực để triển khai với các dự án lưới điện trọng điểm. Tổng công ty tăng cường kiểm điểm tiến độ thi công tại hiện trường; làm việc với cấp ủy địa phương để tháo gỡ khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng...

Bên cạnh đó, một số đơn vị thuộc EVN cho biết sẽ giảm tối đa thời gian phê duyệt hồ sơ sau khi có quyết định phê duyệt dự án, phê duyệt dự toán gói thầu. Điều chỉnh quy mô dự toán gói thầu phù hợp với tình hình thị trường và quản lý chi phí để hạn chế xử lý tình huống vượt giá gói thầu. Từ đó rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện và lưới điện.

Chuyên đề