Ngân sách đối phó với giá dầu giảm

(BĐT) - Ngày làm việc đầu năm 2016 (4/1/2016), người dân, doanh nghiệp hết sức vui mừng khi giá xăng dầu tiếp tục giảm. Lý do của việc giảm giá bán lẻ xăng dầu là giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh khiến giá xăng dầu thành phẩm giảm tương ứng.
Cần nhiều kịch bản để ứng phó với giá dầu, kể cả phương án giá dầu giảm xuống mức 30 – 35 USD/thùng. Ảnh: Lê Tiên
Cần nhiều kịch bản để ứng phó với giá dầu, kể cả phương án giá dầu giảm xuống mức 30 – 35 USD/thùng. Ảnh: Lê Tiên

Tăng thu nội địa để bù hụt thu do giá dầu giảm

Ngược lại với tâm trạng vui mừng của người dân và doanh nghiệp, ngành tài chính - cơ quan giữ ngân khố quốc gia lại “méo mặt” trước việc giá dầu giảm vì năm 2016, Quốc hội giao cho ngành này phải thu 54.500 tỷ đồng từ dầu thô với mức giá dự toán là 60 USD/thùng.

Trước nguy cơ giá dầu tiếp tục giảm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã giao ngành tài chính phải tăng thu nội địa trong năm 2016. “Năm nay, ngành tài chính được giao thu nội địa 785.000 tỷ đồng, nếu thu nội địa tăng 7 - 8% thì ngân sách tăng thu cỡ 56.000 tỷ đồng mới chống đỡ được việc giá dầu giảm”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tính toán. Điều này, theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh là có khả năng thực hiện được vì từ thực tế điều hành NSNN năm 2015, Bộ Tài chính đã có kinh nghiệm đối phó trước diễn biến phức tạp của giá dầu.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, cân đối NSNN năm 2015, thu từ dầu thô giảm gần 27% dự toán, thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu giảm 1,8% dự toán (giảm 3.150 tỷ đồng), nhưng nhờ thu nội địa vượt 10,9% dự toán nên tổng thu NSNN vẫn đạt 957.000 tỷ đồng, vượt 5% dự toán. “Có nhiều giải pháp để tăng thu nội địa, nhưng quan trọng nhất là phải thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tăng cường chống thất thu, chống gian lận thuế, chống nợ đọng thuế”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh gợi ý.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ngành tài chính đã có nhiều kịch bản để ứng phó với giá dầu, trong đó có cả phương án giá dầu giảm xuống mức 30 - 35 USD/thùng. Và trong mọi phương án đối phó với giá dầu, ngành tài chính đều đặt mục tiêu năm 2016 thu nội địa tăng ít nhất 6 - 8% so với dự toán, tức là tăng thêm khoảng 47.100 tỷ đồng đến 62.800 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá, vì vậy, ông Đinh Tiến Dũng tha thiết đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đặc biệt quan tâm đến công tác chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc kiểm soát lạm phát trong điều kiện giá dầu giảm mạnh.

“Năm 2015, nhờ giá dầu giảm mạnh cộng thêm công tác chỉ đạo điều hành giá được thực hiện quyết liệt, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương nên lạm phát chỉ tăng 0,6%, là mức tăng thấp nhất từ năm 2001 trở lại đây. Nhờ giải pháp này, Bộ Tài chính mới có thể sử dụng hàng loạt chính sách tài khóa, Ngân hàng Nhà nước sử dụng chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt mới đẩy mạnh được hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng nhất đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế lên mức cao nhất từ năm 2011 đến nay. Đây là cơ sở quan trọng nhất để tăng thu nội địa, có nguồn bù đắp hụt thu ngân sách”, ông Đinh Tiến Dũng kiến nghị. 

Tăng cường chống gian lận, chống nợ đọng thuế để tăng thu ngân sách

Một lãnh đạo Công ty Deloitte Việt Nam cảnh báo, cũng như năm 2015 và những năm thu ngân sách gặp khó khăn, doanh nghiệp phải hết sức quan tâm tới việc ngành tài chính sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và xử phạt doanh nghiệp trốn thuế, gian lận thuế, nợ thuế để tăng nguồn thu cho NSNN.

Người đứng đầu ngành tài chính một mặt lo ngại giá dầu có thể giảm sâu sẽ tác động trực tiếp ngay đến số thu ngân sách năm 2016, mặt khác ông cho rằng, đây là cơ hội để kiểm soát lạm phát, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân bỏ vốn ra sản xuất, kinh doanh, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Tất nhiên, đây chỉ là điều kiện cần để tăng thu NSNN, đối phó với giá dầu giảm, còn điều kiện quan trọng hơn để để tăng thu ngân sách, đối phó với giá dầu giảm là ngành tài chính phải tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu, chống nợ đọng thuế, chống chuyển giá.

“Tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, chúng ta báo cáo nợ đọng thuế là 76.000 tỷ đồng và chỉ hứa cố gắng thu được 34.000 tỷ đồng, nhưng thực tế đã thu được 39.000 tỷ đồng, tăng hơn 27% so với năm 2014. Nhờ số tiền tăng nhờ thu nợ đọng thuế nên năm 2015 không phải sử dụng 10.000 tỷ đồng từ việc bán cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp để xử lý bù hụt thu. Năm 2016 phải quyết liệt chống nợ đọng thuế, nếu tổng số nợ đọng duy trì ở mức tối đa là 50.000 tỷ đồng, với tổng số thu ngân sách được Quốc hội giao là 1.014.500 tỷ đồng thì nợ đọng thuế chỉ tương đương 5% tổng thu NSNN, phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2015, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 68.000 doanh nghiệp, truy thu, truy hoàn và phạt 10.200 tỷ đồng, giảm khấu trừ và giảm lỗ trên 20.700 tỷ đồng; thanh tra, kiểm tra trên 2.400 doanh nghiệp kê khai lỗ, có dấu hiệu chuyển giá đã giảm lỗ 4.400 tỷ đồng, truy thu, truy hoàn và phạt 500 tỷ đồng, giảm khấu trừ 190 tỷ đồng. Còn cơ quan hải quan cũng đã thu hồi được 838 tỷ đồng nợ thuế quá hạn.

Từ những kinh nghiệm này, ngay từ những ngày đầu triển khai dự toán NSNN năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã yêu cầu thanh tra thuế, hải quan, tài chính phải đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chống gian lận thuế, nợ đọng thuế, chuyển giá vì đây là giải pháp không chỉ là hiệu quả trong việc tăng thu NSNN, giải quyết tình thế giá dầu tiếp tục giảm sâu mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư