Các nền kinh tế mới nổi có tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu. Ảnh: Lê Thành Quân |
Theo WB, tăng trưởng kém diễn ra đồng thời tại nhiều nền kinh tế mới nổi đã gây quan ngại đối với khả năng hoàn thành mục tiêu giảm nghèo và chia sẻ thành quả phát triển cho mọi đối tượng, vì các nền kinh tế này từng là động lực thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trong thập kỉ vừa qua. Mức tăng trưởng trong tương lai sẽ phụ thuộc vào đà tăng trưởng tại các nền kinh tế thu nhập cao, mức độ ổn định giá nguyên vật liệu và sự dịch chuyển dần của nền kinh tế Trung Quốc theo mô hình tăng trưởng dựa trên tiêu thụ và dịch vụ.
“Tăng trưởng giữa các nền kinh tế mới nổi sẽ ngày càng phân hóa rõ rệt. So với 6 tháng trước đây, mức độ rủi ro đã tăng lên, nhất là nguy cơ suy giảm tăng trưởng diễn ra một cách không trật tự tại một nền kinh tế mới nổi lớn. Tuy ít có khả năng xảy ra nhưng nếu các nền kinh tế mới nổi chủ chốt suy giảm nhanh hơn dự đoán thì nền kinh tế toàn cầu sẽ bị tác động”, Phó Chủ tịch Nhóm WB, Chuyên gia kinh tế trưởng, ông Kaushik Basu nhận định và khuyến nghị: “Cần phối hợp các chính sách tài khoá và chính sách của ngân hàng trung ương để giảm nhẹ các rủi ro này và hỗ trợ tăng trưởng”.
“Tăng trưởng mạnh lên tại các thị trường phát triển chỉ bù đắp phần nào các rủi ro do tăng trưởng tiếp tục suy giảm tại các thị trường mới nổi chính. Ngoài ra, còn phải kể đến rủi ro tài chính do chi phí vốn vay tăng lên”, Giám đốc Nhóm Nghiên cứu triển vọng kinh tế phát triển của WB, ông Ayhan Kose phân tích.
WB dự báo, trong năm 2016, tăng trưởng sẽ tiếp tục giảm tại Trung Quốc, còn Nga và Brazil sẽ tiếp tục suy thoái. Cụ thể, GDP của Nga sẽ giảm 0,7% năm 2016, GDP Brazil được dự báo giảm 2,5% trong năm 2016 so với ước tính trước đó là tăng trưởng 1,1%, tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể sẽ suy yếu về mức 6,7% trong năm 2016 từ mức ước tính 6,9% trong năm 2015. Năm 2016, kinh tế Nam Phi sẽ tăng trưởng 1,4%, nhanh hơn so với tốc độ mở rộng 1,3% trong năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với dự báo tăng trưởng 2,1% trong tháng 6/2015.
Trong số các nền kinh tế mới nổi, Ấn Độ là nước duy nhất có thể chứng kiến sự cải thiện đáng kể của các điều kiện kinh tế so với năm 2015. Cụ thể, WB dự báo kinh tế Ấn Độ sẽ tăng 7,8% trong năm 2016 so với mức 7,3% trong năm 2015.
Báo cáo của WB dự báo, các nước đang phát triển sẽ đạt mức tăng trưởng 4,8% năm 2016, thấp hơn mức dự báo trước đây, nhưng vẫn cao hơn mức tăng trưởng 4,3% giai đoạn sau khủng hoảng trong năm 2015. Bên cạnh đó, WB cũng cảnh báo rằng, tác động lan tỏa từ các nền kinh tế mới nổi sẽ kéo theo hạn chế tăng trưởng tại các nước đang phát triển và đe dọa những thành quả giảm nghèo vốn rất khó khăn mới đạt được.
Chủ tịch Nhóm WB Jim Yong Kim khuyến nghị: “Các nước đang phát triển cần tập trung tăng cường năng lực ứng phó với môi trường kinh tế kém thuận lợi và bảo vệ nhóm người bị thiệt thòi nhất. Lợi ích của các biện pháp cải cách quản trị và cải thiện môi trường kinh doanh là rất lớn và chúng có thể bù đắp tác động do tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn bị chậm lại".