Nếu không cấp bách thì không nên thêm gánh nặng cho DN

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hiện nay, nhiều bộ, ngành chuẩn bị ban hành những quy định mới về tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy, thuế tiêu thụ đặc biệt, định mức chi phí tái chế… Trong bối cảnh khó khăn đang bủa vây, doanh nghiệp (DN) bày tỏ lo lắng về nguy cơ gia tăng chi phí tuân thủ quy định pháp luật mới, trong khi khó tiếp cận những chính sách hỗ trợ hiện hành.
Doanh nghiệp kêu khó tiếp cận gói hỗ trợ 2% lãi suất. Ảnh: Nhã Chi
Doanh nghiệp kêu khó tiếp cận gói hỗ trợ 2% lãi suất. Ảnh: Nhã Chi

Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), DN nhiều ngành nghề đang phải đương đầu với các khó khăn như: sụt giảm đơn hàng, xu hướng gia tăng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, sức mua tiêu dùng giảm do suy thoái kinh tế thế giới… Cũng theo ông Phòng, với những khó khăn đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã xác định hỗ trợ DN là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu hiện nay.

Để hiện thực hóa chủ trương đó, nhiều ý kiến cho rằng, các bộ, ngành cần cải thiện điều kiện tiếp cận những chính sách hỗ trợ đã ban hành.

Chẳng hạn về tín dụng, ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa cho biết, kể từ khi ban hành Gói hỗ trợ 2% lãi suất đến nay, nhiều DN trên địa bàn Tỉnh vẫn chưa thể tiếp cận bởi có quá nhiều điều kiện không thể đáp ứng.

Để tháo gỡ vướng mắc này, nhiều ý kiến cho rằng, các điều kiện tín dụng cần nới lỏng hơn nữa, tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất và kéo dài sang năm 2024… “Ngân hàng không thể cho DN làm ăn thua lỗ vay, nhưng những DN đang thua lỗ mới thực sự cần vay để phục hồi, còn DN làm ăn có lãi thì thường ngân hàng phải gợi ý để DN vay. Trong hoàn cảnh khó khăn, cơ chế chính sách cần phải thay đổi linh hoạt cho phù hợp với thực tế, tổ chức tín dụng cần đồng hành với DN”, ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN khuyến nghị.

Trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhiều DN gặp khó khăn có nhu cầu tái cơ cấu, muốn bán bớt tài sản nhưng gặp vướng mắc trong việc chuyển nhượng, không thể đáp ứng đủ điều kiện như: phải có sổ đỏ, hoàn thành nộp thuế, phòng cháy chữa cháy...

Nhấn mạnh bối cảnh đặc biệt cần có chính sách đặc biệt, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất, cần nghiên cứu cơ chế ban hành các khung thể chế có thời hạn, có đối tượng hỗ trợ cụ thể để nới lỏng các quy định giúp DN vượt qua thời kỳ khó khăn nhất. Trong giai đoạn ảnh hưởng dịch Covid-19, biện pháp này đã được nhiều nước áp dụng.

Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, hiện nay có cơ chế ban hành một luật sửa nhiều luật. Nhưng thời hạn hiệu lực của luật thường dài, trong khi các chính sách đặc thù chỉ nên thực hiện trong thời điểm ngắn hạn. Do vậy, Chính phủ cần đề xuất Quốc hội nghiên cứu, ban hành nghị quyết để hỗ trợ DN giải quyết những vướng mắc, bất cập nêu trên.

Trước mắt, không chỉ cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ các quy định hiện hành để tăng khả năng hấp thu chính sách cho DN, mà theo ông Phan Đức Hiếu, cần hạn chế ban hành những quy định mới làm phát sinh thêm chi phí cho DN, giúp DN “sống sót” qua giai đoạn khó khăn này và có thời gian cần thiết chuẩn bị phương án tuân thủ.

“Nếu chưa cấp bách thì không nên ban hành các quy định phát sinh thêm chi phí. Nếu cần thiết phải ban hành theo điều ước quốc tế hay điều khoản của luật, thì phải có lộ trình phù hợp, áp dụng vào năm 2026. Nếu buộc phải thực thi ngay, Chính phủ nên có giải pháp hỗ trợ chi phí trực tiếp cho DN như việc áp dụng tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy, thuế carbon…”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước chỉ là “bà đỡ”, không thể làm thay cho DN mọi việc, do đó, DN cần phải chủ động, tự cứu mình. Thời điểm khó khăn hiện nay, theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, chính là cơ hội để DN tái cấu trúc, tăng sức ép để lược bỏ bớt lĩnh vực kinh doanh không hiệu quả và chuyển hướng phát triển theo xu thế mới. Trên thế giới hiện có nhiều mô hình kinh doanh mới.

Chuyên đề