Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ này đang quản lý, khai thác 137 tuyến đường thủy nội địa (ĐTNĐ) quốc gia với chiều dài 7.071,8 km. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách nhà nước còn hạn chế nên hàng năm chỉ có thể bố trí được khoảng từ 50 - 100 tỷ đồng để nạo vét duy tu một số đoạn tuyến ĐTNĐ quốc gia để đảm bảo chuẩn tắc tại một số tuyến vận tải thủy quan trọng, huyết mạch và liên vùng. Do đó, chủ trương thực hiện xã hội hóa theo hình thức nạo vét thông luồng, kết hợp tận thu sản phẩm nạo vét, không sử dụng ngân sách nhà nước là cần thiết.
Bộ GTVT cho biết, đến thời điểm hiện nay có 66 dự án nạo vét duy tu kết hợp tận thu sản phẩm trên tuyến ĐTNĐ quốc gia. Trong đó, chỉ có 1 dự án đã hoàn thành, bàn giao. Từ cuối năm 2015 đến nay, Cục ĐTNĐ đã chấm dứt 22 dự án do năng lực của nhà đầu tư hạn chế, chậm triển khai dự án, không hoàn thành thủ tục để thi công theo quy định. Đối với các dự án hết hạn theo hợp đồng ký kết giữa Cục và nhà đầu tư, dừng thực hiện 16 dự án và đang làm thủ tục bàn giao luồng để quản lý.
Cách thức hoàn vốn, theo Bộ GTVT, là các doanh nghiệp đầu tư kinh phí để thực hiện nạo vét, sản phẩm tận thu được bán để bù đắp chi phí cho nhà đầu tư bỏ ra để thực hiện việc nạo vét. Một số ý kiến cho rằng, đây giống như hình thức BT dưới nước. Trong một kết luận thanh tra của Bộ này hồi cuối năm 2016, trong số các dự án đã được cấp phép, số lượng dự án có vị trí do nhà đầu tư tự đề xuất ngoài danh mục được phê duyệt lên tới 47 dự án.
Bộ GTVT cho biết, trong thời gian tới sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các dự án đang thi công, xử lý nghiêm các vi phạm; hàng tháng họp rà soát tất cả các dự án xã hội hóa để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, đồng thời xử lý nghiêm, kể cả chấm dứt dự án đối với những nhà đầu tư cố tình trì hoãn tiến độ, những nhà đầu tư lợi dụng chủ trương xã hội hóa của Nhà nước. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tạm dừng cấp mới dự án xã hội hóa nạo vét tận thu tới khi hoàn thiện các thể chế, chính sách. Chấp thuận để Bộ GTVT xây dựng Nghị định quy định nạo vét luồng ĐTNĐ, vùng nước cảng, bến thủy nội địa; trong đó có phần sử dựng vốn ngân sách nhà nước và kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách nhà nước.