Nâng tầm quan hệ Việt - Mỹ: Kỳ vọng nhiều DN Việt cải thiện hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam vừa qua chứng kiến nhiều thỏa thuận hỗ trợ tài chính từ Mỹ vào các doanh nghiệp Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet, VPBank, TPBank, đồng thời tạo nên kỳ vọng nhiều doanh nghiệp đã xác lập được vị thế bán hàng tại Mỹ trong các ngành như dệt may, thủy sản, cao su, công nghệ… sẽ cải thiện hiệu quả hoạt động.
8 tháng đầu năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 62,3 tỷ USD. Ảnh: Tuấn Anh
8 tháng đầu năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 62,3 tỷ USD. Ảnh: Tuấn Anh

Nước Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta, với tỷ trọng chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam đi toàn thế giới.

Kim ngạch song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đạt mức 124 tỷ USD vào năm 2022, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt gần 110 tỷ USD. Trong số các mặt hàng từ Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ, bên cạnh sản phẩm linh kiện, điện tử chủ yếu do khối doanh nghiệp FDI sản xuất, có sự đóng góp đáng kể các sản phẩm của nhiều doanh nghiệp Việt thuộc ngành dệt may, thủy sản, da giày, cao su, công nghệ… 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại với Hoa Kỳ đạt gần 62,3 tỷ USD, giảm gần 18% so với cùng kỳ do khó khăn chung của kinh tế thế giới, nhưng Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Trong ngành dệt may, Công ty CP Đầu tư thương mại TNG là doanh nghiệp điển hình xây dựng được vùng thị trường rõ nét tại Mỹ. Bằng nhiều nỗ lực, TNG đã đưa doanh thu xuất khẩu sang thị trường Mỹ từ mức 1.500 tỷ đồng năm 2019, lên 2.900 tỷ đồng năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng 44% tổng doanh thu của TNG (doanh thu năm 2022 đạt 6.772 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 293 tỷ đồng). Dù người tiêu dùng Mỹ vẫn đang trong xu hướng thắt chặt chi tiêu, nhưng Công ty Chứng khoán FPT dự báo, kim ngạch xuất khẩu của TNG vào Mỹ năm 2023 sẽ tăng nhẹ, tăng khoảng 0,5% so với năm 2022.

Chia sẻ với cổ đông, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP TNG cho biết, trước những cơ hội và thách thức đan xen của thị trường ngành dệt may, TNG đặt mục tiêu phát triển bền vững gắn liền với xu thế xanh và tự động hóa. Linh hoạt chuyển đổi, đón đầu xu thế là 2 giải pháp của TNG, nhằm tạo nên sự bứt phá trên hành trình mở rộng thị trường xuất khẩu. Khác với nhiều doanh nghiệp cùng ngành, TNG tập trung nghiên cứu các giải pháp thích ứng hơn với xu thế tiêu dùng mới, đó là xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững, sản phẩm may mặc chất lượng cao. Cùng với đó là các nguyên vật liệu mới (xơ sợi hữu cơ, vải đa tính năng…) và công nghệ mới để sản xuất ra các loại nguyên vật liệu này, hướng đến giảm khí thải nhà kính, thân thiện hơn với môi trường.

Trong ngành thủy sản, kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ năm 2022 đạt 2,15 tỷ USD, với ngành tôm đóng góp 807 triệu USD; cá tra đóng góp 537 triệu USD. Ở vị thế doanh nghiệp dẫn đầu ngành cá tra Việt Nam, bà Trương Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Vĩnh Hoàn (VHC) chia sẻ, Vĩnh Hoàn tập trung vào sáng tạo và cải tiến để tạo ra các sản phẩm mới. Cụ thể, Vĩnh Hoàn tham gia vào chế biến thức ăn, nhằm khép kín chuỗi cung ứng cá tra bền vững. Thêm rau củ quả vào danh mục sản phẩm, Công ty kỳ vọng phát triển thêm nhiều sản phẩm thực phẩm chế biến đa dạng kết hợp thủy sản và nông nghiệp để cung cấp khẩu phần ăn dinh dưỡng và tiện lợi cho người tiêu dùng thế giới. Vĩnh Hoàn kỳ vọng sẽ sớm chặn lại đà suy giảm doanh số (6 tháng đầu năm 2023, doanh thu của Vĩnh Hoàn đạt 4.945 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái), đồng thời từng bước khôi phục lại đà tăng trưởng trên các thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường Mỹ.

Năm 2022, FPT ghi nhận dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài tăng trưởng doanh thu 30,1%, trong đó riêng tại Mỹ tăng hơn 50% và châu Á - Thái Bình Dương (APAC) tăng 35,7%. Ảnh st

Năm 2022, FPT ghi nhận dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài tăng trưởng doanh thu 30,1%, trong đó riêng tại Mỹ tăng hơn 50% và châu Á - Thái Bình Dương (APAC) tăng 35,7%. Ảnh st

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt trên 1 tỷ USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022 do khó khăn chung của người tiêu dùng ở bên kia bán cầu. Các doanh nghiệp xuất khẩu như CTCP Thủy sản Vĩnh Hoàn, CTCP Tôm Minh Phú, CTCP Thủy sản Nam Việt, CTCP Thực phẩm Sao Ta… đều chịu ảnh hưởng suy giảm hiệu quả. Gần đây, lạm phát tại Mỹ đang dần hạ nhiệt và thời điểm quý II, quý III là kỳ tích trữ kho của các nhà bán lẻ tại Mỹ để phục vụ mùa lễ hội cuối năm, nên Công ty Chứng khoán Vietcombank nhận định, sức cầu trên thị trường quốc tế sẽ cải thiện. VCBS dự báo, từ quý III/2023, Thủy sản Vĩnh Hoàn sẽ tăng trưởng doanh thu dương so với cùng kỳ và tăng trưởng hai con số trong năm 2024. Thủy sản Nam Việt sẽ cải thiện biên lợi nhuận do Công ty đang tập trung đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ và bán được một số sản phẩm chủ đạo với giá cao hơn so với các thị trường cũ.

Trong ngành cao su, doanh nghiệp có vị thế xuất khẩu sang Mỹ là CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC). Tính đến hết quý II/2023, DRC có 5 quý liên tiếp duy trì doanh số xuất khẩu trên 30 triệu USD/quý, chủ yếu là xuất khẩu vào Mỹ. Lãnh đạo DRC chia sẻ, Công ty đang tiến hành lắp đặt các máy móc thiết bị sản xuất lốp xe tải nhẹ với công suất dự kiến 1 triệu lốp/năm. Công ty dự kiến mở rộng thị trường Brazil, đồng thời kỳ vọng đơn hàng xuất sang Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng để quý III/2023, doanh thu của DRC sẽ đạt kế hoạch 1.270 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 72 tỷ đồng.

Trong ngành công nghệ thông tin, FPT là doanh nghiệp vững tiến trên nhiều thị trường quốc tế, đặc biệt là Mỹ. Tại Hội nghị cấp cao Việt Nam - Mỹ về đổi mới sáng tạo và đầu tư tổ chức nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT công bố chiến lược đầu tư 100 triệu USD và gần 1.000 nhân lực tại Mỹ vào cuối năm nay. Cùng với kế hoạch đầu tư, FPT cũng công bố hợp tác chiến lược toàn diện với LandingAI - Công ty trong lĩnh vực thị giác máy và trí tuệ nhân tạo tại Silicon Valley (Mỹ), nhằm đẩy nhanh quá trình đưa AI vào đào tạo tại hệ thống giáo dục FPT.

Năm 2022, FPT ghi nhận, dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài tăng trưởng doanh thu 30,1%, trong đó riêng tại Mỹ tăng hơn 50% và châu Á Thái Bình Dương (APAC) tăng 35,7%. FPT đặt ra mục tiêu tăng trưởng doanh thu 18,8% và lợi nhuận tăng 18,2% trong năm 2023, trong đó mục tiêu mảng công nghệ thông tin cho thị trường nước ngoài đạt doanh thu 1 tỷ USD, mảng công nghệ thông tin trong nước có mục tiêu phục vụ 1 triệu doanh nghiệp trong nước. 7 tháng đầu năm 2023, FPT ghi nhận doanh thu 28.429 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 5.069 tỷ đồng, hoàn thành 54% chỉ tiêu doanh thu và 56% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc AFA Capital nhận định, việc Việt Nam - Hoa Kỳ nâng tầm quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện sẽ mở ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế, nhất là những doanh nghiệp xây dựng được vị thế xuất khẩu sang Mỹ. Trưởng bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường thuộc VNDIRECT, ông Đinh Quang Hinh thì chia sẻ, trong những lần Tổng thống Mỹ sang Việt Nam trước đây, thị trường chứng khoán thường diễn biến tích cực. Kỳ vọng về sự cải thiện hợp tác trong lĩnh vực thương mại giữa Mỹ và Việt Nam thường được phản ánh trước vào diễn biến giá cổ phiếu, sau đó sẽ đến hiệu quả thực của các doanh nghiệp.

Chuyên gia VNDIRECT cũng cho rằng, không chỉ các doanh nghiệp xuất khẩu có cơ hội cải thiện hiệu quả khi Việt Nam - Hoa Kỳ nâng tầm quan hệ đối tác, mà nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp cũng có cơ hội khởi sắc, từ sự quan tâm nhiều hơn của doanh nghiệp toàn cầu đến đầu tư vào Việt Nam.

Chuyên đề