Nâng cấp hồ chứa nước Đu Đủ, tỉnh Bình Thuận: Nghi vấn nhà thầu cố tình trượt thầu

(BĐT) - Nhà thầu Công ty TNHH Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đồng Nai vừa bị bên mời thầu là Ban Quản lý dự án (QLDA) Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung – Khoản vay bổ sung, tỉnh Bình Thuận loại hồ sơ dự thầu (HSDT) ở bước đánh giá sơ bộ do nhà thầu này đề xuất tiến độ thi công hoàn thành công trình lớn hơn yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT) và thời gian có hiệu lực của bảo lãnh dự thầu ngắn hơn yêu cầu của HSMT. 
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Điều này đang đặt ra nghi vấn là Công ty TNHH Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đồng Nai có cố tình trượt thầu khi tham gia Gói thầu số 04: Xây dựng toàn bộ dự án thành phần nâng cấp hồ chứa nước Đu Đủ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận thuộc Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung. 

Bảo lãnh dự thầu không đạt yêu cầu

Ngày 2/6/2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận đã có Quyết định số 704/QĐ-SNN phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 04: Xây dựng toàn bộ dự án thành phần nâng cấp hồ chứa nước Đu Đủ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Dự án thành phần này thuộc Dự án Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung, khoản vay bổ sung số 3173-VIE (SF) ký ngày 23/1/2015 giữa Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Việt Nam.

Bên mời thầu cho biết, có 3 nhà thầu nộp HSDT Gói thầu số 04, gồm: Công ty CP Rạng Đông; Công ty CP Xây dựng phát triển hạ tầng Bình Thuận và Công ty TNHH Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đồng Nai. Tại buổi mở thầu, giá dự thầu của 3 nhà thầu trên lần lượt hơn 47.935 triệu đồng, hơn 43.406 triệu đồng và gần 48.758 triệu đồng, tất cả đều không có thư giảm giá. Và ngay ở bước đánh giá sơ bộ, nhà thầu Công ty TNHH Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đồng Nai đã bị loại. Một trong những lý do chính mà nhà thầu này bị loại là thời gian có hiệu lực của bảo lãnh dự thầu là 150 ngày, trong khi theo yêu cầu của HSMT là 180 ngày.

Vì thế, chỉ có 2/3 nhà thầu có HSDT Gói thầu số 04 được đưa vào đánh giá chi tiết là Công ty CP Rạng Đông với giá đánh giá hơn 45.652 triệu đồng (xếp thứ 2 về giá đánh giá) và Công ty CP Xây dựng phát triển hạ tầng Bình Thuận xếp thứ nhất về giá đánh giá, có giá đánh giá hơn 41.339 triệu đồng.

Qua hậu kiểm năng lực thực hiện hợp đồng, Tổ chuyên gia đánh giá, nhà thầu xếp hạng thứ nhất Công ty CP Xây dựng phát triển hạ tầng Bình Thuận có khả năng đáp ứng năng lực để thực hiện hợp đồng, được trao thầu với giá trúng thầu hơn 43.406 triệu đồng (đã bao gồm dự phòng). Loại hợp đồng là theo đơn giá cố định, thời gian thực hiện hợp đồng là 360 ngày.

Nghi vấn về động cơ tham dự thầu

Bên mời thầu cho biết, phạm vi hợp đồng được trao cho Công ty CP Xây dựng phát triển hạ tầng Bình Thuận – nhà thầu trúng thầu Gói thầu 04 gồm: Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị và mua bảo hiểm công trình cho toàn bộ phạm vi Gói thầu. Công việc chính là thi công nâng cấp đường kết hợp quản lý; gia cố và nâng cao trình đỉnh đập; gia cố mái thượng lưu; khoan phụt chống thấm thân đập bằng công nghệ phụt vữa xi măng – sét tạo màng chống thấm; thiết bị quan trắc đo thấm lún; tu sửa, nâng cấp nhà quản lý đầu mối; kiên cố hóa kênh chính bằng bê tông cốt thép M200, dài 2.816,8m, thi công 4 công trình trên kênh chính.
Không chỉ đưa ra bảo đảm dự thầu có hiệu lực ngắn hơn so với yêu cầu của HSMT, nhà thầu Công ty TNHH Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đồng Nai còn bị Bên mời thầu loại ở bước đánh giá sơ bộ vì đề xuất tiến độ thi công hoàn thành công trình là 420 ngày, kéo dài hơn 55 ngày so với yêu cầu của HSMT là 365 ngày.

Trao đổi với một số chuyên gia đấu thầu về 2 “sơ suất” của nhà thầu Công ty TNHH Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đồng Nai tại gói thầu nêu trên, các chuyên gia cho rằng, lỗi của nhà thầu thể hiện trong HSDT gói thầu trên là rất ngô nghê, các yêu cầu liên quan của HSMT hoàn toàn bằng con số, rất rõ ràng và cụ thể, việc đưa ra những con số thấp hơn hay cao hơn so với yêu cầu của HSMT có thể là “chủ ý” của nhà thầu.

TS. Nguyễn Việt Hùng cho rằng, việc nhà thầu đưa ra hiệu lực của bảo đảm dự thầu thấp hơn so với yêu cầu (HSMT yêu cầu là 180 ngày, hiệu lực bảo lãnh dự thầu của nhà thầu là 150 ngày) thì bị đánh giá là không đáp ứng về tính hợp lệ của HSDT và sẽ bị loại ngay (đây là điều kiện tiên quyết).

Đối với những gói thầu sử dụng vốn vay của nhà tài trợ ADB như Gói thầu số 04 nêu trên thì một “lỗi” khác của nhà thầu Công ty TNHH Tư vấn kỹ thuật Xây dựng Đồng Nai là đưa ra đề xuất tiến độ thi công hoàn thành công trình dài hơn so với yêu cầu của HSMT (HSMT yêu cầu tối đa là 365 ngày nhưng nhà thầu này đề xuất là 420 ngày) cũng “ngô nghê” không kém. Với yêu cầu hiện tại của ADB, khi thời gian đề xuất tiến độ thi công hoàn thành công trình vượt quá so với thời gian tối đa được quy định tại HSMT thì HSDT bị loại.

Một câu hỏi được đặt ra ở đây là nhà thầu tham dự một gói thầu xây lắp có quy mô khá lớn (gần 50 tỷ đồng), sử dụng vốn vay của ADB nên phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của nhà tài trợ chẳng lẽ lại không biết về những “trường quy” tối thiểu này, mà lại cùng lúc bị “dính” đến 2 lỗi lớn. Điều mà dư luận rất quan tâm liên quan đến những vấn đề “nóng bỏng” của công tác đấu thầu hiện nay là động cơ tham dự thầu của nhà thầu Công ty TNHH Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đồng Nai là gì? Việc cùng lúc phạm phải 2 lỗi trên của nhà thầu Công ty TNHH Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đồng Nai có phải là nhằm mục đích “cố tình” trượt thầu hay không?

Chuyên đề

Kết nối đầu tư