Nâng cấp hệ thống giao thông: Xây dựng Trường Sơn đồng hành vượt khó cùng Đà Nẵng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại hai dự án đường vành đai phía Tây và phía Tây 2 Đà Nẵng, vượt qua khó khăn, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Nhà thầu Trường Sơn) đang đồng hành cùng Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ, góp phần cùng địa phương nâng cấp hệ thống giao thông đối ngoại hiện đại, liên thông với các trục cao tốc quốc gia, thúc đẩy phát triển khu vực rộng lớn của huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu và kết nối toàn Thành phố.
Tiến độ Dự án Đường vành đai phía Tây Đà Nẵng đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh - giai đoạn 1 được cải thiện rõ nét sau khi Xây dựng Trường Sơn đảm nhiệm. Ảnh: Hà Minh
Tiến độ Dự án Đường vành đai phía Tây Đà Nẵng đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh - giai đoạn 1 được cải thiện rõ nét sau khi Xây dựng Trường Sơn đảm nhiệm. Ảnh: Hà Minh

Ghé vai gánh việc

Hẹn từ sáng sớm, nhưng đến cuối ngày, phóng viên mới gặp được đại diện Nhà thầu Trường Sơn. Từ công trường vành đai phía Tây đoạn từ Quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh - giai đoạn 1 (Vành đai phía Tây) trở về Ban điều hành, đại diện Nhà thầu Trường Sơn (Công ty CP Trường Sơn 532) lắc đầu ngao ngán: “Chưa có dự án nào gặp khó khăn, vướng mắc phải kéo dài tiến độ như ở dự án này. Bình thường đã phải thi công hoàn thành, quyết toán xong để tính lời, nhưng ở đây ngược lại, Nhà thầu lại tính toán được số lỗ phải bù để cùng với chính quyền địa phương hoàn thành công trình”.

Lỗ vì sao, cho đến giờ thì có lẽ các cấp có thẩm quyền của Đà Nẵng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Chủ đầu tư) và các đơn vị chuyên môn đã rõ nguyên nhân. Đó là giải phóng và bàn giao mặt bằng quá chậm khiến chi phí bị đội lên quá nhiều. Dự án có tổng mức đầu tư (sau điều chỉnh) gần 1.500 tỷ đồng. Trong đó, gói thầu xây lắp 19,1 km đường có giá trị hơn 600 tỷ đồng. Khởi công từ tháng 10/2018, nhưng không có mặt bằng thi công, thiết bị và nhân lực huy động nằm chờ, chi phí khấu hao máy, tiền lương vẫn phải chi trả. Sau đó, mặt bằng được bàn giao kiểu “da beo”, không có đường công vụ để xe máy tiếp cận thi công, lại nằm yên tại kho bãi. “Thời điểm này, nếu bàn giao 100% mặt bằng sạch thì công trình đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ tháng 10/2020 đúng thời hạn hợp đồng và không bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19 bùng phát”, đại diện Nhà thầu phân trần.

Theo Nhà thầu Trường Sơn, gần 2 năm giãn cách xã hội, mọi hoạt động đứng im nên giải phóng mặt bằng cũng “bất động”. Tiến độ công trình bị đe dọa nghiêm trọng khi thành viên đứng đầu Liên danh là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) mất cân đối tài chính, không có khả năng chi trả cho các đối tác cung cấp vật tư, vật liệu, nhân công, máy móc. Theo tỷ lệ liên danh, khối lượng công việc của Cienco 1 chiếm 52%, Trường Sơn là 48%. Tại thời điểm Chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng với Cienco 1 (tháng 12/2022), phân tuyến của Nhà thầu Cienco1 chưa thi công hoàn chỉnh được đoạn đường nào. “Để tiếp tục thi công và hoàn thành Dự án, Nhà thầu Trường Sơn phải “gánh” phần khối lượng công việc còn lại của Cienco 1 và bù lỗ khoảng 50 tỷ đồng”, Chủ đầu tư cho biết.

Sau hơn 6 tháng kể từ khi Nhà thầu Trường Sơn tiếp nhận phần việc từ Cienco 1, từng điểm nghẽn về đường găng tiến độ được tháo gỡ. Dự án đã thành hình rõ nét với việc hoàn thành gần 100% đắp đất nền đường K95 và 95% đắp đất nền đường K98; cấp phối đá dăm đạt từ 80 - 90%; bê tông nhựa đang hoàn thành từng phân đoạn; giá trị khối lượng đã thực hiện đến nay khoảng 485 tỷ đồng (đạt 84,5%).

Ghi nhận những nỗ lực của Nhà thầu Trường Sơn, Chủ đầu tư báo cáo với lãnh đạo TP. Đà Nẵng: “Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã nỗ lực, tập trung xe máy thiết bị, nhân lực, bảo đảm vật tư, vật liệu các loại thi công tăng ca, tăng kíp và làm đêm để triển khai thi công. Tiến độ thực hiện thực tế cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra, phấn đấu đến 31/12/2023 hoàn thành phần tuyến chính”.

“Tiến độ sẽ được bảo đảm nếu mặt bằng trong phạm vi tuyến chính được bàn giao. Hiện nay còn vướng hai hồ sơ đất ở”, đại diện Nhà thầu Trường Sơn cho biết. Ngoài ra, mùa mưa năm nay kéo dài, từ tháng 9 đến nay liên tục mưa nên công địa bị ảnh hưởng. Sau khi trao đổi với Chủ đầu tư, các ban, ngành, lãnh đạo Nhà thầu sẽ cố gắng hoàn thành tuyến chính trước Tết Âm lịch năm nay.

Để có những chuyển động tích cực từ Dự án, phải kể đến những nỗ lực, quyết tâm của người lính Trường Sơn và hơn hết trách nhiệm của Nhà thầu đối với sự phát triển của Đà Nẵng. Được biết, để tiếp nhận phần việc còn lại, Nhà thầu Trường Sơn đã cùng Chủ đầu tư làm việc với Cienco 1, các ngân hàng đưa ra các phương án xử lý mất hơn nửa năm. Không chỉ vậy, theo thông tin từ Chủ đầu tư, đoạn tuyến mà Trường Sơn tiếp nhận lại tại 3 vị trí địa chất có vấn đề về thiết kế. “Ở một vài vị trí, chúng tôi đang đề xuất bổ sung biện pháp thi công, kết cấu công trình thay bê tông nhựa bằng bê tông xi măng để bảo đảm chất lượng, tuổi thọ Dự án. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung của Dự án”, đại diện Nhà thầu cho hay.

“Dù có phải đối diện với nhiều khó khăn nhưng với tinh thần chỉ đạo của Tư lệnh cùng với Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn quyết tâm hoàn thành Dự án, đưa công trình vào vận hành khai thác như lời hứa trước lãnh đạo TP. Đà Nẵng. Những khoản lỗ về con số là cụ thể, nhưng có những khoản lỗ vô hình ảnh hưởng đến thương hiệu Trường Sơn thì không có số liệu nào đo đếm được”, Nhà thầu quả quyết.

Tiếp tục vượt khó

Không chỉ gặp khó khăn ở Dự án Vành đai phía Tây, Nhà thầu Trường Sơn cũng đang gặp khó khăn ở tuyến Vành đai phía Tây 2, dài 14,1 km, tổng vốn đầu tư 1.109 tỷ đồng, trong đó Gói thầu Xây lắp là 1.022 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng 87 tỷ đồng từ nguồn vay của Quỹ Phát triển quốc tế OPEC. Dự án này do Ban Quản lý dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng làm Chủ đầu tư.

Đến nay, dọc theo chiều dài và hành lang tuyến Dự án mới chi đền bù, giải tỏa được 50 hồ sơ rồi “tắc nghẽn” do chi phí đền bù, giải tỏa tăng đột biến. Cụ thể, từ ban đầu chỉ 87 tỷ đồng, kinh phí giải phóng mặt bằng đã tăng lên 1.887 tỷ đồng (gấp 20 lần). Không đủ nguồn vốn đối ứng từ địa phương nên dù đã ký hợp đồng xây lắp cả tuyến, Nhà thầu chỉ thi công được 4 km, đoạn còn lại hiện nay “treo” vô thời hạn. Và dù 4 km đã thi công hoàn thành ngày 30/4/2023, đang hoàn tất thủ thủ tục để đưa vào vận hành khai thác, nhưng Nhà thầu cũng chưa được thanh toán khối lượng hoàn thành khoảng 100 tỷ đồng. Nguyên nhân là do mặt bằng bàn giao chậm, kéo theo tiến độ thi công trượt hạn so với Hiệp định khoản vay.

Để có chi phí chi trả cho Nhà thầu, Chủ đầu tư đã kiến nghị TP. Đà Nẵng cho gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đến hết 31/12/2024; cho phép thanh toán khối lượng xây lắp hoàn thành được nghiệm thu (sau ngày 1/1/2022) để thu hồi tạm ứng và trả nợ cho Nhà thầu; cho phép áp dụng phương thức bù trừ tiền nộp trả tạm ứng từ nguồn vốn nước ngoài để thanh toán khối lượng Nhà thầu đã hoàn thành theo các đợt. Hiện lãnh đạo TP. Đà Nẵng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Giao thông vận tải; Sở Tài chính nghiên cứu, báo cáo đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chuyên đề