Nan giải chuyện chống ngập cho TP.HCM

(BĐT) - Hạ tầng giao thông và thoát nước đô thị tại TP.HCM đang có nhiều bất cập trong cả quy hoạch lẫn triển khai thực hiện. Để giải được bài toán chống ngập, nâng cao chất lượng các dự án giao thông và không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân TP.HCM, cần nhiều giải pháp đồng bộ.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Loay hoay với cao độ cốt nền

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết, nền địa chất phức tạp với nhiều khu vực yếu, nhất là tại Quận 7, Nhà Bè, Bình Tân, Bình Chánh… đã ảnh hưởng nhiều đến công tác xây dựng các tuyến đường giao thông. Nếu các công trình không được xử lý lún triệt để, qua thời gian, nền đường sẽ bị lún, gây nứt, gãy nền đường, hư hại công trình hạ tầng kỹ thuật đã đầu tư (đặc biệt hệ thống thoát nước) làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình, ảnh hưởng lâu dài đến các công trình xây dựng dọc tuyến.

Bên cạnh đó, khi nâng cấp, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật theo cốt xây dựng quy hoạch đã xảy ra tình trạng cao độ thiết kế quá cao so với cao độ nền nhà dân, gây khó khăn cho đời sống sinh hoạt của người dân dọc tuyến, ảnh hưởng đến việc đi lại. Đặc biệt, cao độ thiết kế quá cao đã gây ra tình trạng khó khăn trong đấu nối thoát nước toàn khu vực. Một loạt dự án giao thông để xảy ra tình trạng này như: Xây dựng đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, các dự án Nâng cấp đô thị trên địa bàn các quận 6, 11, Tân Phú, Bình Tân, Đường Kinh Dương Vương…

Chi phí phát sinh hỗ trợ người dân sửa chữa, cải tạo lại nhà ở để phù hợp với cao độ thiết kế mới được Sở GTVT TP.HCM dự đoán là “rất lớn, khó sắp xếp nếu lấy trong chi phí của dự án”. Thực tế ghi nhận tại TP.HCM cho thấy, nỗi ám ảnh của người dân có dự án xây dựng đường giao thông mới ở hai thái cực. Tại khu vực Tân Phú, Bình Tân, cốt nền phù hợp với cao độ sẽ biến nhà dân thành hầm vì thấp hơn mặt đường cả mét, còn với khu vực Tân Bình, cốt nền phù hợp với cao độ sẽ biến nhà dân thành núi vì cao chênh vênh so với mặt đường gần 2 m. 

Thoát nước “khát” vốn

Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM cho biết, địa hình thấp, chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều xâm nhập, do đó, Thành phố thường xuyên bị ngập, thoát nước không kịp nếu có lưu lượng mưa lớn. Hạ tầng hệ thống thoát nước của TP.HCM đã xuống cấp, quá tải và không thể giải quyết được bài toán thoát nước.

Cụ thể, hệ thống cống thoát nước gồm hệ thống cống chung, cống nhỏ đều chưa được đầu tư hoàn chỉnh, hư hỏng, không đồng bộ. Hệ thống trạm bơm và cống kiểm soát triều, các công trình phụ trợ cũng cần đầu tư mới với kinh phí lớn. “Do nguồn vốn cần cho các dự án thoát nước TP.HCM quá lớn, cần tạo cơ chế khuyến khích huy động các nguồn xã hội hóa để xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, các công trình hồ điều tiết, đê bao, cống kiểm soát triều… Chúng tôi cho rằng, các dự án thoát nước cần được đẩy mạnh thực hiện theo mô hình PPP mới có thể thành công, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư” - ông Đỗ Tấn Long đại diện Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM nhận định.

Đồng quan điểm, đại diện Hội Cầu đường cảng TP.HCM cho rằng, cần có những ưu đãi cho nhà đầu tư thực hiện các dự án thoát nước theo hình thức PPP. Nếu không có chính sách đột phá về ưu đãi đầu tư, về ưu tiên các dự án PPP trong thoát nước thì chắc chắn, thoát nước đô thị TP.HCM sẽ còn khát vốn lâu dài.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư