Cạnh tranh về nguồn ngân lực chất lượng cao đang diễn ra rất khốc liệt. Ảnh: Lê Tiên |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Vũ Đại Thắng đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo chuyên đề Lao động trong khu vực doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài - Thực trạng và giải pháp, do Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 19/6, tại Hà Nội.
Việt Nam đang thiếu 20.000 kỹ sư tin học
Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 20/5/2018, cả nước có 25.691 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký gần 323 tỷ USD. Vốn thực hiện ước đạt 179,12 tỷ USD (chiếm 55,5% vốn đăng ký còn hiệu lực). Có tới 19/21 ngành thuộc nền kinh tế quốc dân có vốn FDI. 127 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam. Các dự án FDI phân bố đều khắp 63 tỉnh, thành phố. Tính đến năm 2017, có khoảng 14.600 DN FDI sử dụng hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và khoảng 5 - 6 triệu lao động gián tiếp tại Việt Nam.
Những con số này cho thấy, các DN FDI đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho một bộ phận không nhỏ người lao động. Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội kiêm Trưởng ban Quan hệ lao động của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, lao động trong các DN FDI có hiệu quả sản xuất kinh doanh khá cao. Sự có mặt của khu vực này góp phần làm chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông thôn ra thành thị, đặc biệt là vào các khu công nghiệp, khu chế xuất lớn. Khu vực FDI còn góp phần nâng cao nhận thức, đổi mới tác phong công nghiệp cho người lao động. Trong quan hệ lao động, các DN FDI đã tạo bầu không khí lao động tốt, nhiều DN thân thiện, chia sẻ với người lao động, làm cho ý thức tuân thủ pháp luật, nội quy tốt hơn.
Theo khảo sát của Cục Việc làm thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dự kiến nhu cầu tuyển dụng của 7.000 DN FDI trong năm 2018 là hơn 130.000 lao động. Còn theo ông Ngọ Duy Hiểu, hiện Việt Nam thiếu khoảng 20.000 lao động là kỹ sư tin học, dự kiến tăng lên 80.000 lao động vào năm 2020.
Do đó, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho rằng, sự sẵn sàng nguồn nhân lực của Việt Nam là rất cần thiết, để có thể cạnh tranh được với các quốc gia khác trong thu hút FDI.
Nguồn nhân lực trong nước chưa đáp ứng yêu cầu
Nhu cầu là rất lớn, nhưng nguồn nhân lực trong nước hiện chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đây là tình trạng chung của nhiều nước trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Theo ông Simon Matthews - Tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông, sự cạnh tranh về nguồn ngân lực có chất lượng cao đang diễn ra rất khốc liệt. Hiện có tới 40% nhà tuyển dụng toàn cầu gặp tình trạng thiếu hụt nhân tài, nhất là các lao động có kỹ năng cứng cũng như kỹ năng mềm, kinh nghiệm... Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự chuyển dịch lao động đang gia tăng với tốc độ chóng mặt. Mối đe dọa này ngày càng tăng lên trong bối cảnh kỷ nguyên số, cách mạng công nghiệp 4.0. Hơn 90% nhà tuyển dụng dự đoán DN sẽ bị ảnh hưởng bởi số hóa trong 2 năm tới, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin (26%), nhân sự (20%), làm việc với khách hàng (15%)...
Qua nghiên cứu thị trường lao động tại Việt Nam, ông Obert Pimhidzai, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, 76% số lượng việc làm vẫn nằm ở hình thức công việc truyền thống như nông nghiệp, kinh doanh không áp dụng công nghệ. Nhìn chung, trình độ lao động và mức lương rất thấp, thiếu ổn định và ít chế độ bảo trợ. Hiện có tới 30 triệu lao động không có hợp đồng lao động, 79% lao động không có bảo hiểm xã hội, 80% không có bảo hiểm y tế...
Một trong những nguyên nhân dẫn tới sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, đó là các hệ thống trường đào tạo nghề hiện có lĩnh vực đào tạo chưa phù hợp, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động, nhất là DN FDI. Qua khảo sát cho thấy, ngành nghề đào tạo phổ biến mà các trường cung cấp là lái xe, sửa chữa điều hòa, điện gia dụng - chỉ phục vụ dân sinh là chính. Trong khi đó lại thiếu vắng những công nhân lành nghề về sơn, gò, hàn..., lĩnh vực mà những DN cơ khí chế tạo rất cần. Hay lĩnh vực công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa... không nhất thiết là phải tốt nghiệp đại học, mà có thể trải qua các khóa đào tạo ngắn hạn. Lĩnh vực hóa dược, công nghệ sinh học... cũng đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm, nhưng lực lượng lao động có tay nghề trong lĩnh vực này còn hạn chế.
Muốn thu hút được DN có hàm lượng công nghệ cao, Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh, người lao động phải có trình độ tương ứng. Do đó, khi xây dựng định hướng thu hút FDI, một trong những nội dung quan trọng cần được quan tâm là xây dựng định hướng đào tạo, bồi dưỡng tay nghề. Muốn làm được việc này đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành và cả người lao động.