Cần có các gói hỗ trợ lãi suất cho các dự án đầu tư công trình hạ tầng, đặc biệt là công trình hạ tầng trọng yếu, hạ tầng trọng điểm quốc gia. Ảnh: Internet |
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, việc chống dịch đã tương đối ổn, tiếp tục chuyển sang giai đoạn vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, vì vậy, phải xây dựng các gói kích thích kinh tế, đảm bảo cho cầu tăng trưởng kinh tế.
Về giải pháp, theo ông Hồ Đức Phớc, Bộ Tài chính dự kiến sẽ đề nghị Chính phủ thiết kế từng gói kích thích kinh tế và quản lý theo từng gói để đảm bảo có hiệu quả. Theo đó, trong ngắn hạn, doanh nghiệp cần có thị trường, nguồn nhân lực, vốn, cải thiện cơ chế, chính sách. Về dài hạn, doanh nghiệp cần chú trọng việc chuyển đổi số.
Để giải quyết vấn đề vốn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết đang tham mưu Chính phủ một số gói như gói hỗ trợ lãi suất và đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để thực hiện gói này.
"Gói hỗ trợ lãi suất này được lấy từ chính sách tài khoá, tức lấy từ nguồn ngân sách của Trung ương. Khoảng 20.000 tỷ đồng/năm chẳng hạn, như vậy, sẽ hỗ trợ 2-3% cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của dịch nhưng có đủ điều kiện để vay, để phát triển, sản xuất mới như lĩnh vực du lịch, dịch vụ vận tải, ăn uống…", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất cần có các gói hỗ trợ lãi suất các dự án đầu tư công trình hạ tầng, đặc biệt là công trình hạ tầng trọng yếu, hạ tầng trọng điểm quốc gia.
Ngoài ra, người đứng đầu ngành tài chính cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu xây dựng đề án phát hành Công trái huy động ngoại tệ trong nước để huy động tiền trong dân. Trong trường hợp cần thiết, có thể phát hành trái phiếu Chính phủ ngắn hạn, để tập trung giải quyết vào những vấn đề trước mắt, thúc đẩy quá trình tăng trưởng, sau đó quay vòng vốn đảm bảo cho kinh tế phát triển.
"Năm 2022 - 2023, bội chi có thể tăng, song đến năm 2024, khi kinh tế phát triển, thu ngân sách tăng lên thì sẽ giảm bội chi", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.