Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters |
Sau khi nhậm chức,Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày càng thể hiện lập trường cứng rắn với Mỹ bằng những tuyên bố và ngôn từ mang tính thù địch.
Tuy nhiên, do lo ngại rạn nứt trong quan hệ với Manila có thể gây ra tình trạng bất ổn tại châu Á, nơi Bắc Kinh ngày càng tỏ ra hung hăng, Washington đang cố gắng kiềm chế, không để tân Tổng thống Philippines có thêm cớ để tiếp tục thể hiện sự tức giận, đồng thời vẫn thúc đẩy hợp tác quân sự và các lĩnh vực khác ở mức độ thấp hơn, theo Reuters.
Bình luận viên Idrees Ali nhận định do lo ngại về làn sóng chống chủ nghĩa thực dân, giới chức Mỹ không muốn đưa ra bất kỳ tuyên bố hoặc hành động nào có thể kích động ông Duterte biến những phát biểu mạnh bạo của ông thành hiện thực.
"Ông ấy giống hệt ông Donald Trump. Ông ấy khao khát được chú ý, và khi càng được chú ý, thì ông ấy càng trở nên thái quá. Biện pháp sáng suốt nhất là phớt lờ ông ấy đi", một quan chức cấp cao tại Đông Nam Á khẳng định.
Theo Ali, dù ông Duterte tuyên bố sẽ ngừng các cuộc tập trận chung, buộc lực lượng đặc nhiệm Mỹ ra khỏi miền nam Philippines và xem xét lại thỏa thuận quân sự được ký hai năm trước, Washington nhấn mạnh chưa có điều gì trong số này xảy ra. Các quan chức Mỹ cho biết các đối tác của họ ở Philippines khẳng định mọi việc vẫn diễn ra bình thường.
"Không ai thực sự mất ngủ về việc này", một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nói.
"Đó chỉ là những lời hăm dọa. Các phát ngôn của ông Duterte không ảnh hưởng đến chúng tôi", một quan chức khác khẳng định.
Philippines là nhân tố quan trọng của chính sách tái cân bằng, xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama và hai nước đã bắt đầu tiến hành tuần tra chung trên Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc liên tục có động thái củng cố yêu sách chủ quyền phi lý của mình. Dù rất lo ngại về chiến dịch chống ma túy đẫm máu của ông Duterte, Washington vẫn coi trọng quan hệ quân sự từ lâu với Manila.
"Đôi lúc chúng ta phải nhắm mắt làm ngơ trước một số cá nhân. Mỹ không muốn hủy hoại quan hệ với Philippines, chúng ta phải tìm cách đối phó với nhà lãnh đạo khó chịu này trong khi phải truyền đạt thông điệp phản đối các chính sách vi phạm nhân quyền của ông ấy", Frank Jannuzi, cựu chuyên gia tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đánh giá.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, trung tá Gary Ross, cho rằng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai nước giảm sút trong 25 năm qua, nhưng vào năm 2014 hai nước đã ký kết một thỏa thuận mang tính ràng buộc đối với cả hai bên, Hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA), cho phép binh sĩ Mỹ xây dựng các kho quân sự để phục vụ an ninh hàng hải, nhân đạo và đối phó thảm họa.
Mỹ cũng gửi hàng trăm triệu USD viện trợ quân sự và viện trợ phát triển cho Philippines trong những năm gần đây, đưa nước này trở thành nước nhận viện trợ quân sự của Mỹ nhiều thứ ba châu Á sau Afghanistan và Pakistan.
"Washington lo ngại về ông Duterte hơn những gì đã công khai, nhưng hiện không có quan ngại lớn nào về những ảnh hưởng quân sự do rạn nứt chính trị gây ra bởi Mỹ có nhiều lựa chọn thay thế như trung tâm Hải quân Singapore, các cơ sở huấn luyện ở Brunei", một quan chức Mỹ giấu tên cho biết.