Muôn mặt việc xác nhận thư giảm giá

(BĐT) - Từ thực tế tham gia rất nhiều lễ mở thầu thời gian vừa qua, phóng viên Báo Đấu thầu ghi nhận việc tiến hành các thủ tục đóng/mở thầu đã dần chuyên nghiệp, công khai hơn trước. Tuy nhiên, với nội dung xác nhận thư giảm giá, vẫn còn những cách làm gây cho nhà thầu nhiều nỗi băn khoăn.
Những tranh cãi của nhà thầu về thời điểm xuất hiện thư giảm giá của đối thủ thường xuất hiện ở những gói thầu có sự mập mờ về xác nhận thư giảm giá. Ảnh: Nhã Chi
Những tranh cãi của nhà thầu về thời điểm xuất hiện thư giảm giá của đối thủ thường xuất hiện ở những gói thầu có sự mập mờ về xác nhận thư giảm giá. Ảnh: Nhã Chi

Xác nhận từng thư giảm giá

Có thể nói, nội dung thư giảm giá trong hồ sơ dự thầu (HSDT) là cực kỳ quan trọng đối với nhà thầu dự thầu cũng như bên mời thầu, tư vấn đấu thầu. Việc thực hiện xác nhận thư giảm giá khi tiến hành mở thầu đã được quy định tại Khoản 4 Điều 14 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, trong đó có nội dung yêu cầu đại diện từng nhà thầu tham dự lễ mở thầu xác nhận việc có hoặc không có thư giảm giá kèm theo HSDT của mình.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, các đơn vị tư vấn lẫn chủ đầu tư và các nhà thầu đều cho rằng, quy định đã nêu rất rõ, dễ thực hiện và tạo ra tính công khai, minh bạch tốt cho cả quá trình lựa chọn nhà thầu. Và trên thực tế, nhiều lễ mở thầu dưới sự chứng kiến của phóng viên Báo Đấu thầu cho thấy, các bên mời thầu, đơn vị tư vấn đã thực hiện đầy đủ, chính xác khâu này.

Đơn cử, tại Gói thầu số 18 Xây lắp đường dây và ngăn lộ (từ T77 đến TBA 500kV Đức Hòa) thuộc Dự án Đường dây 500kV Sông Hậu Đức Hòa, trong lễ mở thầu, Bên mời thầu đã thực hiện rất rõ ràng, công khai trong khâu xác nhận thư giảm giá. Đây là gói thầu quy mô rất lớn với 10 lô thầu, do Ban Quản lý các công trình điện miền Nam làm bên mời thầu, với sự tham gia của 16 nhà thầu. Cụ thể, đầu tiên, khi bắt đầu gỡ niêm phong thùng hồ sơ đề xuất kỹ thuật (HSĐXKT), Bên mời thầu yêu cầu các nhà thầu đứng lên xác nhận có thư giảm giá hay không. Sau khi xác định được vị trí của thư giảm giá, Bên mời thầu cùng các nhà thầu kiểm đếm số lượng thư giảm giá. Sau đó, thư giảm giá được đính kèm với hồ sơ đề xuất tài chính (HSĐXTC) và niêm phong theo quy định. Với 16 nhà thầu dự thầu, có nhà thầu nộp 9 thư giảm giá cho 10 lô thầu tham dự; có nhà thầu nộp 7 thư giảm giá cho tất cả 7 lô thầu tham dự, có nhà thầu nộp 1 thư giảm giá cho cả 10 lô thầu… nhưng cách thức xác nhận của Bên mời thầu rất khoa học, chi tiết và đảm bảo  độ chính xác, khách quan nhất.

Với những gói thầu lựa chọn nhà thầu theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, việc xác nhận thư giảm giá khi mở HSĐXKT là rất cần thiết để tạo nên niềm tin cho các nhà thầu. Đây cũng là thủ tục thông thường nhất mà bất kỳ bên mời thầu nào cũng thực hiện mỗi khi mở thầu. 

Muôn kiểu “quên” xác nhận

Theo phản ánh, trong lễ mở thầu, không có việc xác nhận thư giảm giá. Nhưng khi công bố KQLCNT nhà thầu tìm hiểu thêm thì được biết nhà thầu trúng thầu lại có thư giảm giá. Thư giảm giá được nộp lúc nào? Có nộp trước thời điểm đóng thầu hay không? Tại sao không công khai ngay trong lễ mở thầu? Đây là những câu hỏi mà nhà thầu thường đặt ra.
Ngược lại, vẫn còn nhiều gói thầu vẫn bị bên mời thầu chưa tuân thủ đúng hướng dẫn về xác nhận có thư giảm giá hay không. Dễ bắt gặp nhất là tại lễ mở thầu, bên mời thầu không hề yêu cầu nhà thầu xác nhận có thư giảm giá hay không. Những tranh cãi của nhà thầu về thời điểm xuất hiện thư giảm giá của đối thủ thường xuất hiện ở những gói thầu được tổ chức như thế này. Đơn kiến nghị của nhà thầu gửi Báo Đấu thầu thời gian qua đã lộ rõ bất cập này. Theo phản ánh của nhà thầu, trong lễ mở thầu, không có việc xác nhận, không đề cập đến nội dung thư giảm giá. Nhưng khi công bố kết quả lựa chọn nhà thầu (KQLCNT), nhà thầu tìm hiểu thêm thì được biết nhà thầu trúng thầu lại có thư giảm giá. Thư giảm giá được nộp lúc nào? Có nộp đúng quy định trước thời điểm đóng thầu hay không? Tại sao không công khai ngay trong lễ mở thầu? Đây là những câu hỏi mà nhà thầu thường đặt ra.

Một trường hợp khác, trong một lễ mở thầu tại Vĩnh Long, bên mời thầu chỉ xác nhận thư giảm giá của 1 nhà thầu, 2 nhà thầu còn lại không được xác nhận có thư giảm giá. Thế nhưng, nhà thầu không được xác nhận có thư giảm giá khi mở HSĐXKT lại lòi ra thư giảm giá khi mở HSĐXTC.

Và tại Bình Thuận, Tiền Giang, sự chuệch choạc trong xác nhận thư giảm giá đã dẫn đến tình trạng thư giảm giá nộp sau thời điểm đóng thầu vẫn được tiếp nhận, công khai thông tin giảm giá; thậm chí có nơi còn tiếp nhận công khai cả hai thư giảm giá của một nhà thầu…

Hệ quả tất yếu của những lễ mở thầu mà khâu xác nhận thư giảm giá không tuân thủ đúng quy định thường dẫn tới tình trạng kiến nghị, khiếu nại về KQLCNT. Thậm chí, có trường hợp, nhà thầu đã buộc phải ghi âm nội dung tại lễ mở HSĐXTC để chỉ ra những mâu thuẫn trong việc xác nhận thư giảm giá của bên mời thầu trong lễ mở HSĐXKT trước đó.

Chuyên đề