Muôn mặt điều chỉnh hồ sơ mời thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong quá trình lựa chọn nhà thầu, việc điều chỉnh hồ sơ mời thầu (HSMT) là một trong những tình huống phát sinh. Việc điều chỉnh có thể xuất phát từ nguyên nhân chủ quan hoặc khách quan, nhằm bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật về đấu thầu, từ đó gia tăng tính cạnh tranh, hiệu quả của gói thầu. Thực tế cho thấy, nhiều cuộc thầu ghi nhận cạnh tranh, hiệu quả hơn sau điều chỉnh HSMT. Song, bên cạnh đó, cũng xuất hiện không ít những HSMT được điều chỉnh... “cho có”.
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Tường Lâm
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Tường Lâm

Ghi nhận của phóng viên Báo Đấu thầu cho thấy, tại nhiều gói thầu, HSMT được điều chỉnh khi bên mời thầu kịp thời, chủ động nhận ra những sai khác (về giá dự toán, hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu...) so với kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được chủ đầu tư phê duyệt, các lỗi về hình thức khác, hoặc các tiêu chí đánh giá chưa phù hợp với quy định pháp luật đấu thầu hiện hành.

Còn tại một số gói thầu, việc điều chỉnh HSMT xuất phát từ các kiến nghị của nhà thầu, sau khi nhận thấy HSMT xuất hiện những tiêu chí đánh giá không phù hợp quy định pháp luật về đấu thầu hiện hành, gây hạn chế cạnh tranh.

Trên thực tế, việc điều chỉnh HSMT tại nhiều gói thầu lại phát sinh bất cập.

Đơn cử, tháng 7/2020, Sở Giao thông vận tải Vĩnh Phúc đấu thầu rộng rãi, qua mạng Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Sửa chữa Đường tỉnh 309C đoạn Km2 - Km7. Sau gần 3 tháng phát hành HSMT, Gói thầu phải gia hạn tới 5 lần, khi HSMT liên tục được điều chỉnh. Tại lần gia hạn thứ 5, thời điểm mở thầu được lùi sang ngày 21/10. Tuy nhiên, đến chiều ngày 20/10, Bên mời thầu vẫn chưa đăng tải HSMT sửa đổi lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, dẫn tới nhiều nhà thầu không kịp cập nhật lại HSDT. Phản ánh đến Báo Đấu thầu, một nhà thầu bày tỏ sự “bức xúc”, khi phải mòn mỏi chờ đợi, đeo đuổi một Gói thầu với dự toán 7,46 tỷ đồng mà không mang lại kết quả.

Bên cạnh việc không đảm bảo quy định về thời gian khi thực hiện điều chỉnh HSMT, thì tình trạng HSMT sau điều chỉnh vẫn không khắc phục được các hạn chế cạnh tranh cũng khá phổ biến.

Có thể kể đến trường hợp 5 gói thầu lập đồ án quy hoạch tại huyện Hóc Môn (TP.HCM) vừa được mời thầu trong tháng 4 vừa qua. Theo đó, tại 5 gói thầu này, HSMT áp dụng đánh giá cộng thêm 2 điểm ưu tiên đối với trường hợp nhà thầu có trụ sở công ty hoặc văn phòng đại diện tại TP.HCM. Ngay lập tức, tiêu chí này bị các nhà thầu kiến nghị lược bỏ. Với động thái ghi nhận, bên mời thầu đã điều chỉnh HSMT theo hướng giảm điểm cộng ưu tiên còn 1 điểm, thay vì 2 điểm như trước. Tuy nhiên, một số nhà thầu cho rằng, thay vì loại bỏ tiêu chí địa phương hóa và cơ cấu lại thang điểm đánh giá cho các nội dung khác, HSMT lại điều chỉnh theo hướng vẫn gây hạn chế cạnh tranh. Theo các nhà thầu, trong trường hợp này, việc điều chỉnh HSMT “có cũng như không”.

Phản ánh tới Báo Đấu thầu, một số nhà thầu cũng cho biết, tình trạng hôm trước điều chỉnh HSMT, hôm sau mở thầu, hoặc điều chỉnh HSMT nhưng không thông báo cho các nhà thầu tham dự cũng được ghi nhận ở rất nhiều cuộc thầu. Bên cạnh đó, còn tồn tại tình trạng HSMT điều chỉnh không đúng trọng tâm, hoặc sau điều chỉnh vẫn vi phạm các quy định pháp luật về đấu thầu.

Theo đó, một số nhà thầu bày tỏ quan điểm, các bên mời thầu cần tuân thủ triệt để quy định pháp luật, hạn chế tối đa trường hợp điều chỉnh HSMT một cách hình thức nhằm gia tăng hiệu quả, minh bạch, cạnh tranh trong đấu thầu.

Chuyên đề