Nếu tận dụng được cách mạng công nghiệp 4.0, đến năm 2030, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm từ 28,5 - 62,1 tỷ USD. Ảnh: Lê Tiên |
Tiềm năng lớn, thách thức không nhỏ
Theo tính toán của Công ty Tư vấn Boston Consulting Group (BCG), nếu tận dụng được CMCN 4.0, đến năm 2030, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm từ 28,5 - 62,1 tỷ USD, tương đương với mức tăng thêm từ 7 - 16% GDP so với kịch bản không tham gia cuộc cách mạng này. CMCN 4.0 sẽ làm tăng ròng từ 1,3 - 3,1 triệu việc làm, mặc dù có thể khiến cấu trúc việc làm trong nền kinh tế thay đổi. Đến năm 2030, năng suất lao động tính bằng GDP/lao động sẽ tăng thêm từ 315 - 640 USD.
Tuy vậy, CMCN 4.0 cũng tạo ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế như: gia tăng rủi ro về an toàn, an ninh thông tin do thực hiện nhiều hơn trên môi trường số; các mô hình kinh doanh mới có thể tạo ra sức cạnh tranh vượt trội dẫn đến độc quyền trong sản xuất, kinh doanh… Đặc biệt, CMCN 4.0 đặt ra thách thức lớn đối với chất lượng thể chế. Theo Dự thảo Chiến lược, sự không tương thích giữa thể chế, pháp luật và thực tiễn kinh tế có thể tạo ra xung đột hoặc cản trở phát triển; rủi ro tụt hậu xa hơn đối với các nước chậm thay đổi, không kịp thời tranh thủ các lợi ích của cuộc cách mạng công nghiệp này.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, “đơn vị đo lường trong CMCN 4.0 là tốc độ”. Trong cuộc cách mạng này, sẽ có nhiều cái mới xuất hiện mà chưa có quy định, chưa thể gọi tên, nên cần tư duy mới để tiếp cận. “Muốn khuyến khích đổi mới sáng tạo thì thể chế, chính sách cũng phải thay đổi để bắt kịp sự thay đổi của công nghệ và các mô hình kinh doanh mới”, ông Cung nói.
Đánh giá sự chủ động của Việt Nam trước cơ hội từ CMCN 4.0, Nghị quyết số 52-NQ/TW chỉ rõ, mức độ chủ động tham gia CMCN 4.0 của Việt Nam còn thấp, thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là do tư duy trong xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế phù hợp với yêu cầu của cuộc CMCN 4.0 chậm được đổi mới, sức ì còn lớn…
Tập trung nâng cao chất lượng thể chế
Từ thực trạng trên, cùng khó khăn do dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm Việt Nam cần đẩy mạnh hiện thực hóa cơ hội từ CMCN 4.0, bắt đầu bằng việc nâng cao chất lượng thể chế.
Nhấn mạnh yêu cầu này, Dự thảo Chiến lược đề xuất, nâng cao chất lượng thể chế và năng lực xây dựng chính sách là nhóm giải pháp ưu tiên hàng đầu. Theo đó, nâng cao chất lượng thể chế sẽ tập trung vào 4 vấn đề chính.
Một là xây dựng thể chế mới cho công nghệ, mô hình, thực tiễn kinh doanh mới; chính phủ số và an toàn, an ninh mạng. Theo đó, xây dựng, bổ sung thể chế, quy định pháp luật cho các ngành có mô hình kinh doanh mới như: thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, công nghệ tài chính, công nghệ ngân hàng số.
“Việc xây dựng thể chế cho các ngành, nghề kinh doanh mới phải bảo đảm thông thoáng, khuyến khích đổi mới, sáng tạo; phù hợp với mức độ rủi ro của từng ngành, nghề hoạt động kinh doanh cụ thể”, Dự thảo Chiến lược nhấn mạnh. Trường hợp cơ quan nhà nước chưa có quy định cụ thể, áp dụng nguyên tắc doanh nghiệp (DN) được tự do kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Đồng thời, áp dụng khung thể chế thử nghiệm để xây dựng thể chế cho các ngành, nghề kinh doanh mới để tạo hành lang pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo…
Hai là thực hiện quyết liệt giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện thể chế hiện hành nhằm khuyến khích DN đổi mới, sáng tạo. Cụ thể, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chỉ đạo của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh; cải cách quy định về kinh doanh theo hướng dỡ bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh gây trở ngại cho DN; có chính sách, thể chế khuyến khích đầu tư thiên thần và các hình thức gọi vốn cộng đồng…
Ba là tiếp tục thực hiện giải pháp cải cách, hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, với việc cải cách quy định, quy trình, thủ tục đăng ký bảo bộ quyền sở hữu trí tuệ theo hướng đơn giản hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế và ưu tiên các lĩnh vực công nghệ 4.0; đầu tư nguồn lực cho xét duyệt và cấp bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, sáng chế và các quyền sở hữu trí tuệ khác.
Bốn là nâng cao năng lực xây dựng chính sách nhằm nâng cao chất lượng thể chế, khả năng phản ứng chính sách nhanh và hiệu quả thông qua đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ CMCN 4.0 trong dự báo, phân tích chính sách, ban hành, giám sát thực thi pháp luật, bảo đảm cơ chế phản hồi thông tin, phản ứng chính sách kịp thời, chính xác, theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội.
Dự thảo Chiến lược cũng đề xuất nhiều nhóm giải pháp khác như: phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu; phát triển nguồn nhân lực; đề xuất thành lập đơn vị chuyên trách giúp Chính phủ thực hiện Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu…