Mua sắm trực tuyến mùa Lễ Tạ ơn, Black Friday tại Mỹ tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00

Theo thống kê của Hiệp hội Bán lẻ Mỹ, khoảng 59% khách hàng đã bắt đầu mua sắm dịp Lễ Tạ ơn/Black Friday từ đầu tháng 11 và phần lớn là mua trực tuyến.

Cảnh đông đúc trong dịp Lễ Tạ ơn ở New York, Mỹ hồi năm 2019, hoàn toàn trái ngược với năm nay. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cảnh đông đúc trong dịp Lễ Tạ ơn ở New York, Mỹ hồi năm 2019, hoàn toàn trái ngược với năm nay. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Black Friday - ngày thứ Sáu ngay sau Lễ Tạ ơn vốn là dịp mua sắm tưng bừng nhất của người Mỹ trong năm.

Nói đến ngày này là người ta mường tượng đến cảnh người dân xếp hàng dài dằng dặc, chen chúc trước các trung tâm mua sắm lớn từ tờ mờ sáng, bởi đây là dịp các nhà sản xuất, các nhà bán lẻ tung ra các mặt hàng với mức giá hạ sâu nhất trong năm khiến người tiêu dùng không thể không chớp thời cơ.

Tuy nhiên, năm nay đại dịch COVID-19 đã khiến quang cảnh như vậy không còn nữa. Thay vào đó, nhiều hãng đã mở bán các gói mua sắm giá hời trên mạng trực tuyến từ đầu tháng 10 bởi biết trước tình hình sẽ không thể thu được lượng khách lớn tại các cửa hàng trực tiếp như mọi năm.

Theo thống kê của Hiệp hội Bán lẻ Mỹ, khoảng 59% khách hàng đã bắt đầu mua sắm dịp Lễ Tạ ơn/Black Friday từ đầu tháng 11 và phần lớn là mua trực tuyến.

Ước tính mua sắm trực tuyến mùa Lễ Tạ ơn và Black Friday của Mỹ năm nay sẽ tăng 30% so với năm trước. Doanh số bán hàng mùa lễ hội năm nay cũng có thể tăng ở mức khoảng từ 3,6-5,2%, so với mức tăng 4% năm ngoái, tức là sức mua của người dân Mỹ sẽ không giảm là mấy, chỉ có phương thức mua hàng phải thay đổi cho phù hợp tình hình.

Các hãng bán lẻ tại Mỹ cũng nhanh chóng sáng tạo và thay đổi để bắt kịp yêu cầu của người tiêu dùng trong mùa Lễ hội hết sức đặc biệt năm nay.

Thay bằng đầu tư trang hoàng các trung tâm mua sắm, họ đã mở các trung tâm trữ hàng lớn và gói đồ, thuê nhiều nhân công để hoàn thiện và giao hàng thật nhanh các đơn hàng đặt trực tuyến, hoặc để cho người mua có thể tự đến lấy đồ tại đó một cách thuận lợi.

Đại dịch COVID-19 đã khiến ko ít những hãng tên tuổi lớn phá sản và hàng nghìn cửa hàng phải đóng cửa vĩnh viễn trong năm nay. Thế nhưng với một thị trường lớn như nước Mỹ thì nhiều công ty bán lẻ khổng lồ như Amazon Best Buy hay Walmart vẫn tìm cách vượt được qua được khủng hoảng và khẳng định tên tuổi./.

Chuyên đề