Mua sắm trong trường hợp đặc biệt: Quy định rõ để tạo thuận lợi, tránh lạm dụng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước khi dịch Covid-19 xảy ra, hình thức mua sắm trong trường hợp đặc biệt rất ít được áp dụng dù đã được quy định trong Luật Đấu thầu 2013. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, số lượng gói thầu áp dụng hình thức mua sắm này gia tăng, song một số địa phương, đơn vị còn lúng túng khi triển khai. Nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định rõ thẩm quyền quyết định, điều kiện áp dụng, quy trình lựa chọn nhà thầu (LCNT) trong trường hợp đặc biệt.
Hình thức mua sắm trong trường hợp đặc biệt thời gian qua được nhiều địa phương áp dụng, nhất là trong lĩnh vực y tế. Ảnh: Huấn Anh
Hình thức mua sắm trong trường hợp đặc biệt thời gian qua được nhiều địa phương áp dụng, nhất là trong lĩnh vực y tế. Ảnh: Huấn Anh

Hình thức mua sắm trong trường hợp đặc biệt thời gian qua được nhiều địa phương áp dụng, nhất là trong lĩnh vực y tế. Tại Bắc Ninh - địa phương có nhiều khu công nghiệp tập trung đông người, nhu cầu mua sắm phục vụ phòng chống dịch gia tăng mạnh. Năm 2022, Bắc Ninh có 16 gói thầu mua sắm trong trường hợp đặc biệt với tổng giá trị 202,08 tỷ đồng.

Một số địa phương khác như An Giang đã thực hiện 5 gói thầu mua sắm trong trường hợp đặc biệt với tổng giá trị 5,934 tỷ đồng; Bến Tre thực hiện 26 gói thầu với tổng giá trị 11,895 tỷ đồng; Đắk Lắk có 341 gói thầu với tổng giá trị 7,906 tỷ đồng… Tại Đà Nẵng, trong năm 2022 có 390 gói thầu áp dụng hình thức mua sắm trong trường hợp đặc biệt với tổng giá trị 10,511 tỷ đồng.

“Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường, phức tạp, khả năng dự báo dịch khó khăn, việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế có nguy cơ rủi ro cao (hàng hóa mua không sử dụng hết gây lãng phí, hay thiếu hàng hóa dẫn đến không đáp ứng yêu cầu chuyên môn, ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe nhân dân). Thực tế này đặt các đơn vị y tế trước khả năng vi phạm quy định mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản khi phải lựa chọn đặt tính mạng, sức khỏe nhân dân lên trên hết và trước hết”, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết.

Do vậy, trong một số tình huống phải đáp ứng yêu cầu cấp bách cho công tác phòng, chống dịch, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất… chưa thể thực hiện ngay theo quy định. UBND TP. Đà Nẵng đề nghị cần có hướng dẫn xử lý đối với nội dung này.

Việc LCNT trong trường hợp đặc biệt, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), là nhằm giải quyết cho các dự án, dự toán thuộc trường hợp phải thực hiện đấu thầu, nhưng không thể tổ chức theo quy trình đấu thầu thông thường. Do đây là các trường hợp ngoại lệ, không phải áp dụng theo quy trình đấu thầu thông thường, nên cần thiết phải quy định đủ rõ từ thẩm quyền quyết định, điều kiện, cho đến quy trình LCNT… để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện, tránh bị lạm dụng và tạo rủi ro pháp lý cho các đối tượng thực hiện.

Đây cũng là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đề xuất tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV vào tháng 10/2022.

Trước đòi hỏi của thực tiễn và để khắc phục những bất cập nêu trên, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã bổ sung một mục để quy định cụ thể về LCNT trong trường hợp đặc biệt, trong đó cụ thể hóa các trường hợp, điều kiện áp dụng, quy trình LCNT, đồng thời phân cấp triệt để việc quyết định áp dụng hình thức này cho các bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh. Các trường hợp đặc thù, cấp bách khác (như mua thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phòng chống dịch bệnh…) được quy định thực hiện theo hình thức chỉ định thầu.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Trung tâm Mua sắm thuốc tập trung thuộc Bộ Y tế cho rằng: “Nội dung của Dự thảo Luật có nhiều điểm mới, khắc phục được những vướng mắc, khó khăn khi áp dụng Luật Đấu thầu 2013, đặc biệt là phù hợp hơn với công tác mua sắm tập trung như quy định rõ hơn về quy trình LCNT của hình thức mua sắm trong trường hợp đặc biệt”.

Ngoài ra, Dự thảo Luật quy định, gói thầu mua sắm vắc xin trong quá trình thử nghiệm, có yêu cầu đặc thù của nhà sản xuất về điều kiện mua, thanh toán, bảo lãnh, bảo đảm và điều kiện khác trong quá trình thực hiện hợp đồng thuộc trường hợp đặc biệt. Theo VCCI, quy định này là phù hợp, tuy nhiên, cần gắn với điều kiện cụ thể khi dịch bệnh đang và/hoặc có nguy cơ diễn ra.

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2023.

Chuyên đề