Các nhà thầu cho rằng, HSMT quy định tiêu chí đánh giá về kỹ thuật chưa phù hợp với pháp luật về đấu thầu, dẫn đến hạn chế cạnh tranh. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Gói thầu nêu trên có giá 19,206 tỷ đồng, phát hành HSMT rộng rãi qua mạng từ ngày 9/1 - 2/2/2024.
Trong văn bản đề nghị làm rõ, các nhà thầu cho rằng, HSMT quy định tiêu chí đánh giá về kỹ thuật chưa phù hợp với pháp luật về đấu thầu, dẫn đến hạn chế cạnh tranh. Cụ thể, đối với các thiết bị điện tử (tivi, đàn phím điện tử, máy in laser, máy chiếu), HSMT yêu cầu “nhà thầu phải đề xuất catalogue có xác nhận của nhà sản xuất, văn bản bảo hành chính hãng của nhà sản xuất, văn bản cam kết sản phẩm chính hãng của nhà sản xuất hoặc tài liệu kỹ thuật tương đương có xác nhận của nhà sản xuất”. Theo nhà thầu, các thiết bị điện tử này đều là hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất. Do đó, việc yêu cầu cung cấp xác nhận của nhà sản xuất là vi phạm khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và điểm a khoản 1 Điều 27 Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT, gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Cũng tại nội dung đánh giá tiêu chuẩn kỹ thuật, HSMT yêu cầu nhà thầu đề xuất các tài liệu chứng minh kết quả thử nghiệm: sắt mạ kẽm theo ASTM 123/123M, đạt kết quả theo ASTM A90/A90M; sơn đạt tiêu chuẩn ASTM D3359-17 (hoặc tương đương); sơn có khả năng chống ăn mòn cấp độ 5, có kết quả thử nghiệm đáp ứng tiêu chuẩn ASTM B117-2019; TCVN 6238-1:2008 (ISO 8124-1:2000, Amd.1:2007, Amd.2:2007), Phần 1 Các khía cạnh an toàn liên quan đến tính chất cơ lý; TCVN 6238-3:2008 (ISO 8124-3:1997), Phần 3 Mức giới hạn xâm nhập của các độc tố...
Một nhà thầu cho biết, trong các tiêu chuẩn trên, “ASTM” là viết tắt của “American Society for Testing and Materials” - Hiệp hội Vật liệu và Thử nghiệm Hoa Kỳ, một tổ chức tiêu chuẩn quốc tế. Việc áp tiêu chuẩn này vào danh mục đồ dùng sinh hoạt, thiết bị phổ thông như cột, lưới, bảng, xà đơn, xà kép… thực sự không cần thiết. Cùng với đó, việc HSMT xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật theo hướng chuẩn hóa đến từng vật liệu dùng để sản xuất sản phẩm và không đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá mang tính tương đương là giới hạn nhà thầu.
Về nhân sự, HSMT yêu cầu nhà thầu huy động 5 công nhân, kèm các điều kiện: có chứng chỉ nghề hoặc chứng nhận đào tạo nghề ≥ bậc 5/7; thẻ huấn luyện an toàn - vệ sinh lao động theo quy định; giấy chứng nhận huấn luyện phòng cháy và chữa cháy do cơ quan phòng cháy chữa cháy cấp theo quy định; chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước... “Đây được xem là một trong những nội dung hạn chế sự tham gia của nhà thầu theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT đối với gói thầu mua sắm hàng hóa thông thường”, một nhà thầu nêu quan điểm.
Ngày 23/1/2023, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Trần Đức Hồng, Giám đốc Công ty TNHH VT Hồng Phát cho biết, việc xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật tại HSMT hoàn toàn dựa trên danh mục dự toán, kỹ thuật được UBND TP. Phan Thiết phê duyệt. Sau khi nhận được các đề nghị làm rõ, đơn vị tư vấn đã có văn bản báo cáo việc kiểm tra, rà soát HSMT dựa trên tinh thần tiếp thu, điều chỉnh một số nội dung phản ánh có cơ sở và đang trong thời gian chờ Chủ đầu tư quyết định. “Theo đó, một số dạng tài liệu có xác nhận của nhà sản xuất hoặc tài liệu chứng minh tiêu chuẩn kỹ thuật vi phạm các quy định về cạnh tranh sẽ được lược bỏ khỏi HSMT”, vị đại diện thông tin.
Theo chuyên gia đấu thầu, Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT đã chỉ rõ các hành vi hạn chế cạnh tranh, vi phạm khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, trong đó có các hành vi như: yêu cầu catalogue, tài liệu kỹ thuật phải có xác nhận của nhà sản xuất hoặc đại lý phân phối ủy quyền của nhà sản xuất; yêu cầu nhân sự đối với mua sắm hàng hóa thông dụng, đơn giản; hay quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn yêu cầu của gói thầu... Với việc HSMT đã được chuẩn hóa, khi xây dựng HSMT, chủ đầu tư, bên mời thầu cần tuân thủ tuyệt đối, tránh đưa ra những tiêu chí đánh giá khắt khe, tùy tiện, làm giảm hiệu quả của hoạt động mua sắm công.