Gói thầu Thiết bị thuộc Dự án Sàn giao dịch công nghệ tại Cần Thơ do Công ty TNHH MTV Xây dựng Thương mại và Dịch vụ STD làm bên mời thầu Ảnh minh họa: Nhã Chi |
Gói thầu nêu trên có giá 4,314 tỷ đồng. Trong thời gian mời thầu, có ít nhất 4 văn bản kiến nghị của nhà thầu về HSMT gói thầu này.
Cụ thể, tại mục 1.2.1 chương V của HSMT yêu cầu hồ sơ dự thầu (HSDT) kèm theo tài liệu chứng minh thông số kỹ thuật hàng hóa chào thầu là catalogue của nhà sản xuất. Theo nhà thầu, điểm b, điểm đ Phụ lục 8 Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT đã đưa ra các quy định nhằm không để nhà sản xuất can thiệp vào quá trình đấu thầu vì có thể gây hạn chế cạnh tranh. “HSMT yêu cầu catalogue của nhà sản xuất, để chứng minh catalogue “của nhà sản xuất”, thông thường có 2 cách. Thứ nhất là nhà sản xuất công bố catalogue trên trang chủ website của họ, thứ hai là nhà sản xuất xác nhận bằng văn bản. Tuy nhiên, nếu nhà sản xuất không công bố catalogue trên trang chủ hoặc chỉ công bố những tính năng chính, không đầy đủ chi tiết như yêu cầu của HSMT thì bắt buộc nhà thầu phải liên hệ nhà sản xuất để xác nhận bằng văn bản, điều này đi ngược lại với quy định tại Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT”, nhà thầu cho biết.
Đối với thiết bị đồ gỗ, HSMT yêu cầu nhà thầu cung cấp bản vẽ kỹ thuật (lưu ý: không phải là hình ảnh) cũng gây nhiều bức xúc từ phía nhà thầu. Một số nhà thầu cho rằng, đây là yêu cầu không có căn cứ. HSDT của nhà thầu đã nêu đầy đủ đặc tính kỹ thuật của các thiết bị, thời gian chuẩn bị HSDT chỉ có 7 ngày, việc lập bản vẽ thiết kế cho các thiết bị là không khả thi. Đồng thời, hướng dẫn tại mục 15.7 E-CDNT của HSMT nêu: “Tài liệu chứng minh sự phù hợp của hàng hóa và dịch vụ liên quan có thể là hồ sơ, giấy tờ, bản vẽ, số liệu được mô tả chi tiết theo từng khoản mục về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng cơ bản của hàng hóa và dịch vụ liên quan”. Theo chỉ dẫn này, nhà thầu được quyền lựa chọn tài liệu chứng minh phù hợp. Việc HSMT chỉ định “bản vẽ kỹ thuật” là yêu cầu mang tính áp đặt chủ quan, không phù hợp với quy định, gây hạn chế cạnh tranh.
Ngoài ra, yêu cầu kỹ thuật của thiết bị pin năng lượng mặt trời được cho là sao chép hoàn toàn từ thiết bị CS3W 445MS của hãng CanadianSolar, các thiết bị của hãng khác không thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí mà HSMT đề ra. Điều này vi phạm quy định tại điểm a Phụ lục 8 Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT.
Trước các kiến nghị của nhà thầu, ngày 4/7/2024, Bên mời thầu có văn bản trả lời cho rằng, catalogue của nhà sản xuất là tài liệu khách quan, việc yêu cầu tài liệu này không làm hạn chế nhà thầu. Đối với thiết bị đồ gỗ, Bên mời thầu cho biết, thông số kỹ thuật trong HSMT chỉ thể hiện nội dung chủ yếu của thiết bị, để thuận lợi cho việc ký kết hợp đồng và nghiệm thu, cần có bản vẽ thể hiện chi tiết kích thước của hàng hóa cung cấp cho Gói thầu. Nội dung trả lời của Bên mời thầu chưa đề cập đến phản ánh về yêu cầu kỹ thuật của thiết bị pin năng lượng mặt trời.
Nội dung trả lời này không khiến các nhà thầu “tâm phục khẩu phục” mà cho rằng Bên mời thầu đã vận dụng sai quy định hiện hành về đấu thầu, gây hạn chế nhà thầu.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một chuyên gia đấu thầu cho rằng, yêu cầu “catalogue của nhà sản xuất” thay vì catalogue mô tả hàng hóa phát sinh kiến nghị của nhà thầu do đây được xem như một dạng “giấy phép con” mà Phụ lục 8 Thông tư số 06/2024 đã đề cập, cụ thể “yêu cầu giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương đối với những hàng hóa thông dụng, đơn giản”. Về yêu cầu bản vẽ kỹ thuật đối với thiết bị đồ gỗ, CDNT trong HSMT đã “mở” cho nhà thầu nhiều lựa chọn tài liệu chứng minh thông số kỹ thuật của hàng hóa, nhưng HSMT lại bắt buộc phải có bản vẽ kỹ thuật để thuận lợi cho công tác ký kết hợp đồng và nghiệm thu là thể hiện sự chưa thống nhất, đồng bộ của HSMT. Các phản ánh của nhà thầu cần được rà soát, điều chỉnh kịp thời nhằm tránh kiến nghị kéo dài.