Mua sắm tại Sở GD&ĐT TP. Cần Thơ: Áp tiêu chuẩn đặc thù lên hàng hóa thông dụng?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quy định về việc không được yêu cầu giấy phép bán hàng, giấy xác nhận đối tác hoặc các tài liệu tương tự khi mời thầu các gói thầu hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường đã được ghi rõ trong pháp luật về đấu thầu. 
Danh mục mua sắm trong HSMT gồm: máy tính để bàn trọn bộ (1.130 bộ), máy tính xách tay (10 bộ), máy in A4 (15 cái), máy photocopy (6 cái)..., đều là thiết bị thông dụng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Danh mục mua sắm trong HSMT gồm: máy tính để bàn trọn bộ (1.130 bộ), máy tính xách tay (10 bộ), máy in A4 (15 cái), máy photocopy (6 cái)..., đều là thiết bị thông dụng. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tuy nhiên, tình trạng đưa yêu cầu này vào hồ sơ mời thầu (HSMT) vẫn còn phổ biến. Câu chuyện tương tự ghi nhận tại Gói thầu Mua sắm tài sản, thiết bị cho các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP. Cần Thơ năm 2024 (thiết bị tối thiểu, thiết bị chuyên dùng, thiết bị dùng chung).

Gói thầu có giá 29,67 tỷ đồng, phát hành HSMT từ ngày 6 - 24/11/2024, do Sở GD&ĐT TP. Cần Thơ trực tiếp mời thầu, thẩm định HSMT; Công ty TNHH Đầu tư thiết bị Crystal tư vấn lập HSMT.

Theo yêu cầu của HSMT, Chương V. Yêu cầu về kỹ thuật quy định, “căn cứ theo Quyết định số 19/2023/QĐ-UBND ngày 19/9/2023 của UBND TP. Cần Thơ về ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng thuộc lĩnh vực GD&ĐT và Thông tư số 11/2018/TT-BGDĐT ban hành tiêu chí để xác định hàng hóa chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho giáo dục, hàng hóa mời thầu được xác định là thiết bị chuyên dùng, đặc thù trong ngành GD&ĐT của TP. Cần Thơ, do đó, yêu cầu nhà thầu thương mại phải có giấy phép bán hàng, giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất/đại lý phân phối; hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác/giấy cam kết hỗ trợ kỹ thuật, bảo hành của nhà sản xuất/đại lý phân phối hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương. Trường hợp nhà thầu không xuất trình được giấy phép bán hàng để ký hợp đồng thì mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào đối chiếu tài liệu”.

Trong văn bản kiến nghị, một nhà thầu cho rằng, Phụ lục 8 Thông tư 06/2024/TT-BKHĐT xác định việc “Yêu cầu giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương đối với những hàng hóa thông dụng, đơn giản” là hành vi hạn chế cạnh tranh. Với yêu cầu nêu trên, HSMT đang vi phạm khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu.

Theo nhà thầu, danh mục mua sắm trong HSMT gồm: máy tính để bàn trọn bộ (1.130 bộ), máy tính xách tay (10 bộ), máy điều hòa nhiệt độ (92 cái), màn hình hiển thị (40 cái), máy in A4 (15 cái), máy photocopy (6 cái), máy scan (10 cái), loa, đài, bàn, ghế..., đều là thiết bị thông dụng, sẵn có trên thị trường, không có bất kỳ danh mục sản phẩm học liệu, công cụ, thiết bị dạy học bộ môn, thiết bị chuyên môn đặc trưng trong sử dụng dạy và học. “Ngoài ra, Quyết định số 19/2023/QĐ-UBND ngày 19/9/2023 của UBND TP. Cần Thơ và Thông tư số 11/2018/TT-BGDĐT là các văn bản quy định tiêu chuẩn, định mức máy móc thiết bị chuyên dùng, không có quy định hàng hóa đặc thù như diễn giải của Bên mời thầu trong HSMT, đồng thời không quy định những hàng hóa, thiết bị nào là đặc thù. Do đó, việc Bên mời thầu diễn giải tính chất “đặc thù” nhằm hướng tới quy định nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng, tài liệu kỹ thuật có xác nhận của nhà sản xuất... là không có cơ sở”, Nhà thầu phân tích và cho biết thêm, về bản chất, thiết bị chuyên dùng được hiểu là các thiết bị có cấu tạo và tính năng chuyên biệt đáp ứng yêu cầu thí nghiệm, thực hành phù hợp với yêu cầu của môn học. Từ đó, nhà thầu kiến nghị loại bỏ các tiêu chí gây hạn chế cạnh tranh ra khỏi HSMT.

Trả lời Báo Đấu thầu, đại diện Công ty TNHH Đầu tư thiết bị Crystal cho biết, với nhu cầu mua sắm hàng hóa số lượng lớn, cung cấp cho nhiều đơn vị trực tiếp sử dụng khác nhau, các yêu cầu tại HSMT nhằm mục đích lựa chọn được hàng hóa bảo đảm chất lượng, gắn trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng, phù hợp với nhu cầu, mục tiêu của Chủ đầu tư. Tuy nhiên, trước phản ánh của nhà thầu, phía tư vấn sẽ đề xuất, tham mưu Bên mời thầu điều chỉnh HSMT trong trường hợp cần thiết.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một số chuyên gia đấu thầu cho rằng, các loại thiết bị điện tử, công nghệ như máy tính xách tay, máy tính để bàn, máy in, máy photocopy... đều là sản phẩm thông dụng, được chào bán rộng rãi trên thị trường. Các hãng sản xuất đã công bố tiêu chuẩn kỹ thuật và chính sách bảo hành chính hãng theo quy định. Mặt khác, khi chào thầu, nhà thầu đã đề xuất các loại văn bản như giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa (C/Q) đối với hàng hóa nhập khẩu hoặc giấy chứng nhận xuất xưởng hàng hóa đối với hàng hóa sản xuất trong nước; tài liệu kỹ thuật/xác nhận thông số kỹ thuật của nhà sản xuất... Về mặt pháp lý, các loại giấy tờ này đủ chứng minh nguồn gốc, tính hợp lệ của hàng hóa. Do vậy, các yêu cầu về giấy phép bán hàng, cam kết hỗ trợ kỹ thuật hay các dạng tài liệu tương đương có thể dẫn tới sự cạnh tranh không bình đẳng, trong trường hợp hãng/đại diện hãng sản xuất chỉ cấp giấy phép này cho một hoặc một số nhà thầu nhất định.

Chuyên đề