Mua sắm trực tuyến có nhiều điểm ưu việt, phù hợp với những gói thầu quy mô nhỏ. Ảnh: Nhã Chi |
Sôi động chào giá trực tuyến
Chào giá trực tuyến được hiểu nôm na là hình thức “đấu giá ngược”, các nhà thầu trả giá giảm dần trong một thời hạn cụ thể trên cơ sở giá trần và bước giá được chủ đầu tư/bên mời thầu (CĐT/BMT) quy định.
Sau hơn 1 tháng triển khai chào giá trực tuyến (từ ngày 1/12/2024 đến 15h20 ngày 3/1/2025), có 44 gói thầu đã được mời thầu. Trong đó, 37 gói đã có kết quả LCNT, 7 gói đang đợi thời điểm chào giá.
Giá dự thầu tại nhiều gói thầu áp dụng chào giá trực tuyến rút gọn rất cạnh tranh. Đơn cử, Gói thầu Cung cấp máy hủy tài liệu và máy in của Ban Quản lý dự án lưới điện Hà Nội thu hút 9 lượt chào giá, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng công nghiệp HKC Việt Nam được xếp hạng thứ nhất với 52 triệu đồng, giảm hơn một nửa so với giá trần…
Đa số các gói thầu đã kết thúc chào giá cho thấy có từ 5 lượt chào giá trở lên như: Gói thầu Mua sắm, thay thế đèn exit thoát hiểm và đèn sự cố tại các tòa nhà của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh (15 lượt chào giá); Gói thầu Cung cấp máy hủy tài liệu và máy in của Ban Quản lý dự án lưới điện Hà Nội (9 lượt chào giá)…
Kênh mua sắm trực tuyến có khả năng phát triển mạnh
Hình thức mua sắm trực tuyến thể hiện sự hấp dẫn ngay khi đưa vào vận hành với nhiều hàng hóa được các nhà thầu đăng ký chào bán. Tính đến 15h20 ngày 3/1/2025, Danh mục mặt hàng thuốc đã có 28 sản phẩm được nhà thầu cung ứng công khai (tên sản phẩm, hãng sản xuất, giá…); Danh mục máy móc, vật tư, thiết bị, phụ kiện ngành điện đã có 4 sản phẩm…
Theo chuyên gia của Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, trong giai đoạn đầu, phân hệ mua sắm trực tuyến sẽ cho phép thực hiện mua sắm với gói thầu thuộc dự toán mua sắm có giá gói thầu không quá 100 triệu đồng với kế hoạch mở rộng phạm vi trong tương lai.
Để tham gia bán hàng hóa, nhà thầu đăng ký sản phẩm với các mặt hàng nằm trong các kết quả LCNT đã công khai, CĐT/BMT chỉ cần thực hiện một số thao tác đơn giản như: tra cứu sản phẩm, bỏ vào giỏ hàng, xác nhận đơn hàng… là có thể hoàn tất quy trình mua sắm. Với danh mục hàng hóa đã được chuẩn hóa, các công cụ quản lý đơn hàng và phân tích báo cáo chi tiết, quy trình thực hiện đơn giản, phân hệ mua sắm trực tuyến sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực, rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả mua sắm cho người dùng.
“Các sản phẩm được đăng ký chào bán phải đồng thời nằm trong danh mục trúng thầu của nhà thầu trong phạm vi gói thầu mua sắm tập trung và đang trong thời gian thực hiện hợp đồng (trường hợp không ký thỏa thuận khung và không quá 12 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực) hoặc đang trong thời gian có hiệu lực của thỏa thuận khung”, chuyên gia lưu ý.
Sau khi trải nghiệm tính năng mới, đại diện Công ty CP Đại Phú An cho biết, trước đây, khi các bệnh viện cần mua thêm thuốc thì có thể gửi email hoặc gọi điện cho các nhà thầu là có thể chỉ định thầu. Từ nay, các bệnh viện có thêm lựa chọn mua sắm trực tuyến, nhất là đối với những bệnh viện nhỏ, ở vùng sâu, vùng xa… Về phía Đại Phú An, Nhà thầu đã tiến hành cập nhật ngay thông tin sản phẩm và sẵn sàng đón nhận đơn đặt hàng của các CĐT/BMT.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, Công ty CP Dược phẩm OPC cho biết, đã tiến hành đăng ký chào bán sản phẩm theo hình thức mua sắm trực tuyến. Hình thức mua sắm này phù hợp với những gói thầu quy mô nhỏ, các bệnh viện dễ dàng chọn lựa, so sánh giá và mua sắm; các nhà thầu cũng không mất nhiều thời gian làm hồ sơ dự thầu…
“Chúng tôi hiện có hơn 200 dòng sản phẩm thuốc đã trúng thầu và sẽ từng bước cập nhật những sản phẩm này lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Sản phẩm thuốc có tính đặc thù cao, thông số kỹ thuật khá phức tạp, tương ứng với mỗi chi tiết khác nhau về hoạt chất, hàm lượng, nhóm kỹ thuật (từ 1 đến 5)… sẽ cho ra một dòng sản phẩm, giá trúng thầu khác nhau. Chi phí vận chuyển cũng khác nhau theo địa bàn… Do đó, Hệ thống cần có công cụ hỗ trợ nhà thầu cập nhật thông tin nhanh hơn, có nhiều trường thông tin tương ứng và đảm bảo tính thống nhất”, Dược phẩm OPC đề xuất.
Theo ông Vũ Tiến Chung - Giám đốc Công ty CP Thương mại và Dịch vụ An Thịnh, Nhà thầu đã cập nhật ngay thông tin sản phẩm, trong đó căn cứ vào số km cụ thể để tính chi phí vận chuyển, bảo hành… “Việc cập nhật các thông tin sản phẩm khá đơn giản, thuận tiện. Mua sắm trực tuyến có nhiều điểm ưu việt hơn so với các hình thức LCNT khác như: giảm được nhiều thủ tục không cần thiết, thông tin được xác thực, công khai, minh bạch. Trong thời gian tới, kênh bán hàng này có khả năng rất phát triển bởi có tính cạnh tranh cao, các nhà thầu tham gia đều đã được chứng minh năng lực, uy tín và sản phẩm có chất lượng”, ông Chung nhận định.