Mua gạo dự trữ quốc gia năm 2023: Nhiều nhà thầu tiếp đà trúng lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhằm tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia (DTQG), đáp ứng nhu cầu hỗ trợ, cứu trợ trong các trường hợp đột xuất, cấp bách, 22 cục dự trữ nhà nước (DTNN) khu vực đã và đang triển khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp 220.000 tấn gạo nhập kho DTQG năm 2023. Đến nay, một phần chỉ tiêu kế hoạch đã định danh được nhà cung cấp, trong đó có nhiều “tên tuổi” quen thuộc tại các kỳ đấu thầu mua gạo DTQG các năm trước đó.
Đã có 4 đơn vị hoàn thành kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua gạo dự trữ quốc gia năm 2023. Ảnh: Song Lê
Đã có 4 đơn vị hoàn thành kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua gạo dự trữ quốc gia năm 2023. Ảnh: Song Lê

Theo kế hoạch, có tổng số 191 gói thầu mua gạo nhập kho DTQG năm 2023 được 22 cục DTNN khu vực đồng loạt tổ chức mời thầu qua mạng, đóng/mở thầu trong tháng 6/2023. Tính đến thời điểm hiện tại, có 4 đơn vị hoàn thành toàn bộ kế hoạch lựa chọn nhà thầu, bao gồm: Cục DTNN khu vực Đông Bắc (9 gói thầu), Cục DTNN khu vực Vĩnh Phú (9 gói thầu), Cục DTNN khu vực Bắc Tây Nguyên (6 gói thầu) và Cục DTNN khu vực TP.HCM (8 gói thầu). Tại một số khu vực, hàng loạt gói thầu phải gia hạn nhiều lần do không thu hút được nhà thầu tham dự; một số khác phải hủy thầu do nhà thầu chào giá vượt dự toán gói thầu.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Cục DTNN khu vực TP.HCM cho biết, so với số lượng trung bình từ 6 - 10 nhà thầu tham dự tại kế hoạch mua gạo DTQG năm 2022, thì kế hoạch năm 2023 bị sụt giảm mạnh về số lượng nhà thầu cạnh tranh khi chỉ có 1 - 2 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu tại mỗi gói. Một trong những nguyên nhân là kế hoạch năm 2023 được thực hiện muộn hơn các năm trước, trong khi vụ thu hoạch đông xuân đã kết thúc vào quý I, hàng hóa đã được xuất khẩu dẫn đến nguồn cung khan hiếm. Ngoài ra, tại một số khu vực xa vùng nguyên liệu, các nhà thầu thường có tâm lý “e ngại” dự thầu do chi phí vận chuyển cao...

Theo kết quả lựa chọn nhà thầu được công bố, nhà thầu có tần suất trúng thầu lớn nhất đến thời điểm hiện tại là Công ty CP Thương mại Minh Khai (địa chỉ tại TP. Hải Phòng) với 11 gói thầu, được công bố trúng tại các cục DTNN khu vực Hà Nội; Bắc Thái; Vĩnh Phú; Đông Bắc, với tổng giá trị hợp đồng trên 178 tỷ đồng.

Tiếp đến là Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam (địa chỉ tại Hà Nam) được trao hợp đồng 8 gói thầu với tổng giá trị trên 131 tỷ đồng, tương ứng gần 10.000 tấn gạo nhập kho dự trữ tại các cục DTNN khu vực Bắc Thái, Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Phú, Đông Bắc.

Tổng công ty Lương thực miền Bắc (địa chỉ tại Hà Nội) trúng 6 gói thầu cung cấp 6.600 tấn gạo nhập kho DTQG tại Cục DTNN khu vực Nghĩa Bình, với tổng giá trị gần 86 tỷ đồng.

Công ty CP Xuất nhập khẩu lương thực Thành Sang (địa chỉ tại Nghệ An) trúng 5 gói thầu tại các cục DTNN khu vực Bình Trị Thiên, Bắc Tây Nguyên, TP.HCM, tổng giá trị 73 tỷ đồng.

Trong quá trình lựa chọn nhà thầu mua gạo DTQG năm 2023, Tổng cục DTNN đã ban hành văn bản hướng dẫn các cục DTNN khu vực tiếp tục thực hiện chấm điểm “uy tín nhà thầu” tại nội dung đánh giá về kỹ thuật như đã triển khai các năm 2021 và 2022 nhằm nâng cao trách nhiệm của nhà thầu trúng thầu trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Trong số các nhà thầu trúng lớn tại kế hoạch mua gạo DTQG năm 2023 kể trên, không ít nhà thầu có tên trong danh sách áp dụng trừ điểm uy tín do để lại “tì vết” trong các kỳ đấu thầu mua gạo DTQG giai đoạn 5 năm trở lại đây như Công ty CP Thương mại Minh Khai, Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam, Công ty CP Xuất nhập khẩu lương thực Thành Sang...

Trao đổi với phóng viên, một số cục DTNN khu vực nhìn nhận, việc các nhà thầu bị trừ điểm kỹ thuật khi tham gia đấu thầu nhưng vẫn trúng thầu cho thấy đây là những nhà thầu thực sự có năng lực. “Sau 2 năm thí điểm việc đánh giá uy tín nhà thầu cho thấy nhiều kết quả tích cực như tỷ lệ tiết kiệm tăng; thời gian hoàn thành nhập kho sớm hơn so với dự kiến do đã khắc phục được tình trạng doanh nghiệp trúng thầu gạo DTQG nhưng từ chối ký hợp đồng hoặc ký hợp đồng nhưng bỏ/thực hiện dở dang...”, Cục DTNN khu vực TP.HCM đánh giá.

Chuyên đề