Mong nhà đầu tư trong nước lớn lên khi thực hiện e-GP

(BĐT) - Tại Hội nghị tiền sơ tuyển diễn ra ngày 7/1, tại Hà Nội, đại diện Bên mời thầu (là Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư) đã giải đáp thắc mắc của các nhà đầu tư quan tâm đến Dự án Ứng dụng thương mại điện tử trong mua sắm chính phủ (e-GP) theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Hệ thống e-GP sẽ thu hút khoảng 10.000 cơ quan chính phủ và 120.000 nhà cung cấp tham gia.  Ảnh: Nhã Chi
Hệ thống e-GP sẽ thu hút khoảng 10.000 cơ quan chính phủ và 120.000 nhà cung cấp tham gia. Ảnh: Nhã Chi

Theo ông Jamie Meacham, Phó Giám đốc PwC Việt Nam (tư vấn giao dịch của Dự án), nghiên cứu khả thi của Dự án cho thấy, e-GP là dự án PPP khá tiềm năng được dự báo sẽ thu hút được 10.000 cơ quan chính phủ và 120.000 nhà cung cấp tham gia; cùng với đó, mới đây hàng loạt các văn bản pháp lý hỗ trợ cho việc thực hiện PPP vừa được Chính phủ Việt Nam ký ban hành sẽ là khung khổ pháp lý quan trọng và vững chắc cho Dự án; đảm bảo việc thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia.

Do đây là dự án sẽ được tổ chức đấu thầu quốc tế, nên để tránh những hiểu nhầm trong Hồ sơ mời sơ tuyển, ông Nguyễn Sơn, Giám đốc Ban quản lý dự án e-GP, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu nhấn mạnh, các nhà đầu tư dùng bản tiếng Anh làm bản chuẩn, bản chính để “làm bài” cho Hồ sơ dự sơ tuyển, bản tiếng Việt của Hồ sơ mời sơ tuyển chỉ là bản dịch mang tính tham khảo, không có giá trị pháp lý.

Nhà đầu tư nước ngoài buộc phải liên danh với nhà đầu tư trong nước khi tham gia Dự án e-GP

Tại Hội nghị, có khá nhiều nhà đầu tư quan tâm đến nội dung liên quan đến tư cách hợp lệ của nhà đầu tư tham gia Dự án. Ông Bùi Đoàn Ngọc, Quản lý Phòng Phát triển, Công ty TNHH NTT Data Việt Nam đặt vấn đề, trong Hồ sơ mời sơ tuyển có nêu việc khi tham gia Dự án nhà đầu tư nước ngoài buộc phải liên danh với nhà đầu tư trong nước, như vậy, trong trường hợp công ty trong nước lại là công ty con của công ty mẹ (nhà đầu tư nước ngoài) thì việc liên danh giữa công ty mẹ và công ty con có hợp lệ hay không?

Giải đáp cho nhà đầu tư này, ông Nguyễn Sơn nhấn mạnh, trong trường hợp này, các công ty con (nhà đầu tư trong nước) phải có tư cách pháp nhân riêng biệt, có yếu tố của Việt Nam thì mới đủ điều kiện tham gia với tư cách liên danh với công ty mẹ là nhà đầu tư nước ngoài. Ông Nguyễn Sơn cho biết thêm, sở dĩ chúng tôi yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải liên danh với nhà đầu tư trong nước để thực hiện Dự án là để thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước nhằm tạo điều kiện nâng cao năng lực của các nhà đầu tư trong nước trong việc được chuyển giao công nghệ từ các đối tác nước ngoài. Chúng tôi sẽ hạn chế những trường hợp nhà đầu tư nước ngoài chỉ liên danh “trên danh nghĩa” với nhà đầu tư trong nước, để cho nhà đầu tư trong nước thực hiện những phần việc rất nhỏ, không quan trọng trong Dự án. E-GP mong muốn các nhà đầu tư trong nước khi tham gia liên danh cũng có thể thiết kế - xây dựng -  vận hành - duy tu -bảo dưỡng được hệ thống như nhà đầu tư nước ngoài.

Liên quan đến những yêu cầu đối với hệ thống đấu thầu điện tử sẽ được thực hiện, nhà đầu tư đến từ Công ty NTT Data đặt câu hỏi liệu nhà đầu tư có được phép xây dựng một hệ thống mới hoàn toàn mà không cần phải sử dụng lại Hệ thống đấu thầu qua mạng hiện có hiện nay không?

Đại diện Ban Quản lý dự án và tư vấn PwC cho rằng, nhà đầu tư không bị buộc phải bó hẹp trong những tư duy sáng tạo của mình, các nhà đầu tư có thể xây dựng hệ thống đấu thầu qua mạng mới và phải thực hiện việc chuyển dữ liệu từ hệ thống cũ sang. Ngoài ra, việc xây dựng hệ thống mới phải đáp ứng các yêu cầu (như có đủ 11 hệ thống thành phần, đáp ứng được những mô tả, quy trình, kỹ thuật) trong Hồ sơ mời sơ tuyển đã nêu ra. “Nhà đầu tư không bị bó cứng trong những giải pháp công nghệ, mà hoàn toàn có quyền đề xuất những giải pháp phát triển hệ thống; tuy nhiên, những “sáng tạo” trong hệ thống mới vẫn phải đảm bảo thực hiện được những chức năng của hệ thống đấu thầu qua mạng đã được đề xuất trong e-GP” – ông Phạm Thy Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án e-GP nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, các nhà đầu tư cũng đặt nhiều câu hỏi liên quan đến cơ chế tài chính của Dự án e-GP. Ông John Au, Công ty CDC Malaysia băn khoăn rằng, sau khi Dự án hoàn tất phần xây dựng và đưa vào vận hành, trong những năm đầu việc thu phí không đáp ứng theo lộ trình hoàn vốn của nhà đầu tư thì liệu nhà đầu tư có được kéo dài thời gian thu phí hay không?

Về điều này, ông Nguyễn Sơn cho biết, trong bộ Hồ sơ mời thầu sắp phát hành tới đây, Bên mời thầu sẽ có những quy định rõ hơn về cơ chế tài chính của Dự án. Việc xây dựng cơ chế tài chính phải tính toán đến cả 2 khả năng: nhà đầu tư không thu đủ vốn đã bỏ ra và cả trường hợp nhà đầu tư thu được những lợi nhuận rất lớn từ việc thu phí này. Bên mời thầu cũng mong muốn nhận được những đề xuất, kiến nghị của các nhà đầu tư trong cơ chế tài chính của Dự án, trên cơ sở đó có những phương án xây dựng cơ chế tài chính Dự án phải đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả nhà đầu tư và Nhà nước.

Một số phương án tài chính có thể sẽ được tính đến như: Nhà nước sẽ “mua lại” Hệ thống đấu thầu qua mạng từ nhà đầu tư nếu như việc thu phí không thể hoàn được vốn mà nhà đầu tư đã bỏ ra, cũng có thể nhà đầu tư sẽ phải chia sẻ lại lợi nhuận cho Nhà nước trong trường hợp thu được quá nhiều phí… và còn nhiều phương án khác cần phải tính đến – đại diện Ban quản lý Dự án e-GP thông tin.

Kết quả Hội nghị là cơ sở để củng cố nội dung của Hồ sơ mời sơ tuyển và chuẩn bị cho bước lập Hồ sơ mời thầu, đảm bảo đưa ra các yêu cầu về kỹ thuật, tài chính, pháp lý phù hợp với thực tiễn.

Thời điểm đóng sơ tuyển sẽ diễn ra vào 15h00 ngày 3/2/2016, từ nay tới trước thời điểm này 10 ngày, Bên mời thầu sẽ tiếp tục trả lời tất cả những thắc mắc, băn khoăn của nhà đầu tư quan tâm đến Dự án.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư