Mong lắm mùa nước không còn mặn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đầu năm 2020, tại huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) - thủ phủ chôm chôm của miền Tây, anh nông dân Nguyễn Thái An ngơ ngẩn nhìn hàng chục gốc chôm chôm trơ trụi trên vườn. “Phải chặt bỏ hết, đau như chặt bàn tay của mình. Nhưng mặn nặng quá rồi, cây đã héo từ đợt Tết, không thể nào cứu nổi”, vừa nói, anh vừa lấy tay áo quẹt mắt. Người nông dân 45 tuổi này cho biết, từ lúc ông bà anh sinh cơ lập nghiệp ở đây, chưa khi nào hạn mặn kinh khủng như vậy.
Nhiều đại dự án giúp ứng phó tình trạng hạn mặn đang được đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều đại dự án giúp ứng phó tình trạng hạn mặn đang được đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: Lê Tiên

Xô đổ kỷ lục 100 năm

Anh An mải miết với mảnh vườn, chắc không kịp cập nhật thông tin. Cuối tháng 2/2020, đồng loạt các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Cà Mau và Long An đã công bố tình huống khẩn cấp về hạn, mặn. Đợt mặn kinh hoàng của năm 2020 thậm chí “đánh lừa” được kinh nghiệm hơn 50 năm của những lão nông dày dạn nhất miền Tây.

Tại xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, gia đình bác Sáu Liêm rất nổi tiếng vì độ am hiểu thời tiết, thổ nhưỡng, là chủ của những ruộng lúa năng suất cao nhất vùng. Ấy vậy mà chỉ mới ra Giêng, bác ngậm ngùi bất lực trước những dải ruộng đang úa héo, quắt queo vì thiếu nước. Bác nói trong ngao ngán: “Ăn Tết xong là mình thua trắng bụng vì mặn rồi. Mặn xâm nhập từ lúc lúa lên đòng, tức là tầm tháng 11, tháng 12 của năm trước. Không ngờ nó lên nhanh và dữ như vậy. Vụ lúa năm nay chắc chắn lợi nhuận chỉ còn đủ tiền công”.

Bến Tre năm 2020 có lẽ là cái rốn của nạn ngập mặn. Đây chính là hạ nguồn ba nhánh sông Mekong gồm sông Tiền, sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên. Trong tháng 3, tháng 4, người dân miền Tây sinh sống ở TP.HCM đã lập nhiều diễn đàn kêu gọi “hỗ trợ nước ngọt cho miền Tây”. Hàng trăm đoàn xe đã tỏa về miền Tây, đưa nước ngọt về cho bà con sinh hoạt, điều gần như chưa từng xảy ra trước đây.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu như đợt xâm nhập mặn năm 2016 được xem là đợt mặn kỷ lục, 100 năm mới lặp lại thì mùa khô năm 2020 đã phá vỡ mọi kỷ lục được xác lập trước đó. Đây là cách so sánh dễ hiểu nhất để nhiều người hình dung mức độ tàn phá của hạn mặn với miền đất phù sa này.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng trực tiếp đến 10/13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đối với vụ đông xuân 2019 - 2020, diện tích lúa bị ảnh hưởng khoảng 41.900 ha/1.541.000 ha tổng diện tích gieo trồng toàn vùng (chiếm tỷ lệ 2,7%).

Riêng diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng do khô hạn, xâm nhập mặn khoảng 6.650 ha, gồm: Long An (2.397 ha), Tiền Giang (2.297 ha), Bến Tre (931 ha), Vĩnh Long (740 ha), Trà Vinh (267 ha), Sóc Trăng (18 ha). Trong đó, thiệt hại mất trắng khoảng 355 ha. Ngoài ra, hạn, mặn còn khiến khoảng 96.000 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt, các con kênh khô cạn khiến nền đất ven bờ bị ảnh hưởng gây ra hiện tượng sụt lún nghiêm trọng.

Trông vào những đại công trình

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 tại ĐBSCL ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Chưa giai đoạn nào ĐBSCL được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương dồn sức, kỳ công chuẩn bị ứng phó với hạn mặn như hiện nay.

Nhiều giải pháp được Chính phủ, ngành nông nghiệp quyết liệt triển khai để giảm thiểu các tác hại của hạn mặn đã phát huy hiệu quả. Thứ nhất, các cơ quan chuyên môn đã làm tốt công tác dự báo xâm nhập mặn. Thứ hai là sự chỉ đạo điều hành sớm, sát sao các giải pháp ứng phó từ Chính phủ đến địa phương và các cơ quan chuyên môn. Đặc biệt, việc khoanh vùng, cắt giảm, chuyển đổi thời vụ sản xuất để né mặn góp phần giảm thiểu diện tích cây trồng bị ảnh hưởng.

Công tác thủy lợi như nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đào ao, giếng, đắp đập tạm ngăn mặn, lắp đặt trạm bơm dã chiến, đầu tư xây dựng các công trình kiểm soát mặn đóng vai trò rất quan trọng. Thực tế, trong đợt xâm nhập mặn vừa qua, diện tích ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp giảm nhiều nhờ sự đóng góp không nhỏ của công tác thủy lợi.

Bộ NN&PTNT cho biết, nhiều đại dự án giúp ứng phó tình trạng hạn mặn đang được đẩy nhanh tiến độ, giúp ĐBSCL chủ động, linh hoạt hơn và ứng phó hiệu quả hơn khi phải sống chung với hạn mặn.

Đầu tiên phải kể đến Dự án Quản lý nước Bến Tre sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản (JICA 3) với tổng mức đầu tư 285,7 triệu USD (trên 6.191 tỷ đồng). Chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 9. Theo Chủ đầu tư, trong quý I/2021, các gói thầu xây lắp lớn sẽ tiến hành đấu thầu quốc tế.

Dự án Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé có nhiệm vụ kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi rộng 384.120 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp và thủy sản là 346.241 ha. Dự án này có quy mô đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng, chống thiên tai, giảm ngập úng, giảm thiệt hại do hạn, mặn vào mùa khô.

Dự án này cùng 16 đập ngăn mặn tỉnh Kiên Giang sắp triển khai sẽ khép kín toàn bộ hệ thống thủy lợi ven biển Tây, mang lại hiệu quả tích cực cho sản xuất và đời sống của người dân Kiên Giang cũng như các tỉnh lân cận trong vùng bán đảo Cà Mau.

Tiếp đến là Dự án ngăn sông Cửa Trung (Tiền Giang) làm hồ nước ngọt với quy mô đầu tư gần 900 tỷ đồng. Dự kiến, hồ chứa rộng 200 - 400 m, dài hơn 14 km, hai đầu sẽ đặt hai cống đập ngăn sông Cửa Trung - một nhánh dài 20 km, nằm giữa sông Cửa Đại và Cửa Tiểu. Công trình sẽ bảo đảm nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp…

Ngày 30/1/2020, cống âu thuyền Ninh Quới (Bạc Liêu) chính thức được đưa vào sử dụng, kiểm soát mặn kịp thời để phục vụ sản xuất. UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, từ khi cống âu thuyền Ninh Quới được đưa vào vận hành đến nay đã đáp ứng được nhu cầu ngăn mặn. “Hệ thống nước từ sông Quản Lộ - Phụng Hiệp về thị xã Ngã Năm nếu không có cống âu thuyền Ninh Quới sẽ bị nhiễm mặn rất nhiều. Cống âu thuyền Ninh Quới vận hành giúp điều tiết độ mặn cho vùng nuôi tôm ở phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu. Nếu không đưa vào vận hành sớm, mùa hạn mặn 2020 vừa qua, người dân các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng thực sự mặn chát vì mất trắng nhiều vụ lúa, vụ tôm”, bác Tám Hòa - một nông dân ở Bạc Liêu - háo hức khoe.

Người dân miền Tây đang mong chờ những dự án thủy lợi sớm đưa vào vận hành. Để mỗi mùa nước nổi, con nước ngọt ngào đất chín rồng sẽ chở nặng phù sa, dồi dào tôm cá và tưới mát cho những miệt vườn trái cây lúc lỉu. Đó là những mùa nước nổi không còn mặn.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư