Mời thầu mua phân bón: Nhiều gói bị tố dựng “rào cản” nhà thầu

(BĐT) - Không ít gói thầu mua phân bón do Công ty CP Cao su Điện Biên; Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang Quảng Nam; Chi nhánh 716 thuộc Tổng công ty 15; Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh… mời thầu bị nhà thầu phản ánh hồ sơ mời thầu (HSMT) dựng “rào cản” để hướng tới nhà thầu đã xác định trước. Thực tế công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu này như thế nào?
Hồ sơ mời thầu các gói thầu mua phân NPK chốt cứng thông số kỹ thuật đã gây hạn chế sự tham gia của nhà thầu. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Hồ sơ mời thầu các gói thầu mua phân NPK chốt cứng thông số kỹ thuật đã gây hạn chế sự tham gia của nhà thầu. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Mới đây, Công ty CP Cao su Điện Biên (chủ đầu tư/bên mời thầu) công bố lựa chọn Công ty TNHH MTV Quế Lâm miền Trung thực hiện Gói thầu Mua phân NPK phục vụ bón thúc cho vườn cây cao su năm 2022 (giá trúng thầu 1,912 tỷ đồng).

Theo phản ánh của một nhà thầu, HSMT yêu cầu: “Sản phẩm tham gia dự thầu là phân NPK 16-8 với khối lượng mời thầu 119,65 tấn có các tiêu chuẩn kỹ thuật đúng bằng: Đạm tổng số (Nts) = 16%; Lân hữu hiệu (P2O5hh) = 16%; Kali hữu hiệu (K2Ohh) = 8%; Lưu huỳnh (S) = 2%; Canxi (Ca) = 1%; Magie (Mg) = 1%; Độ ẩm = 5%”. Nhà thầu cho rằng, yêu cầu như trên là chưa phù hợp với quy định của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam về chất lượng và chủng loại phân bón. Yêu cầu thành phần và hàm lượng như trên chỉ có duy nhất sản phẩm của Tập đoàn Q.L đáp ứng, Nhà thầu nêu rõ trong thư góp ý về HSMT.

Phản hồi góp ý của Nhà thầu, một cán bộ Phòng Kế hoạch thuộc Công ty CP Cao su Điện Biên cho biết, đây là tiêu chuẩn kỹ thuật đối với loại phân bón phù hợp với cây cao su đã được Công ty nghiên cứu, tìm hiểu. “Công ty không hạn chế nhà thầu, nhà thầu nào đáp ứng yêu cầu thì hoàn toàn có thể nộp hồ sơ dự thẩu (HSDT). Tuy nhiên, đáng tiếc tới thời điểm đóng thầu chỉ có một nhà thầu nộp HSDT và trúng thầu là Công ty TNHH MTV Quế Lâm miền Trung”, vị cán bộ trên khẳng định.

“Rào cản” về tiêu chí kỹ thuật hạn chế sự tham gia của nhà thầu cũng bị tố tại HSMT Gói thầu Mua phân bón NPK lần 1 năm 2022 có giá gói thầu 5,2 tỷ đồng do Công ty TNHH MTV 732 làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu.

Theo phản ánh, 2 sản phẩm phân bón NPK mời thầu (NPK 16-16-8 và NPK 16-8-16) với hàm lượng như HSMT yêu cầu thì chỉ có sản phẩm của một công ty đáp ứng. Kết quả lựa chọn nhà thầu vừa được Công ty TNHH MTV 732 công bố cho thấy, Công ty CP Tiến Nông Gia Lai trúng thầu với giá 5,178 tỷ đồng sau khi loại 2 đối thủ không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Tương tự, HSMT Gói thầu Mua phân bón đợt 1 năm 2022 do Chi nhánh 176 thuộc Tổng công ty 15 mời thầu cũng bị phản ánh có tiêu chí hạn chế nhà thầu với yêu cầu trong HSMT hướng tới sản phẩm của một nhà thầu.

Gói thầu số 1 Phân vô cơ thuộc dự toán mua sắm phân bón năm 2022 do Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh mời thầu vừa mở thầu cách đây ít ngày cũng bị phản ánh tiêu chí trong HSMT gây khó khăn cho nhà thầu tham dự. Cụ thể, HSMT yêu cầu nhà thầu phải có: “Giấy phép bán hàng thuộc bản quyền của nhà sản xuất hoặc Giấy ủy quyền bán hàng của đại lý phân phối khi nhà thầu cung cấp không phải là nhà sản xuất” trong khi hàng hóa mua sắm là hàng hóa thông dụng.

Trước đó, tại nhiều gói thầu mua phân bón khác như: Gói thầu Mua sắm phân bón NPK lần 1 năm 2022 do Công ty TNHH MTV 72 làm chủ đầu tư, Công ty CP Tổng hợp Dương Minh Tây Nguyên mời thầu; Gói thầu Mua sắm phân bón cho cây cao su kinh doanh năm 2022 do Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang Quảng Nam mời thầu… Nhà thầu trúng thầu đều đúng như dự đoán của nhà thầu phản ánh.

Cũng theo phản ánh, mặc dù có góp ý của nhà thầu về HSMT, nhưng các bên mời thầu không có phản hồi, sửa đổi, làm rõ HSMT.

Nhìn nhận về tiêu chí kỹ thuật trong HSMT các gói thầu nêu trên, một chuyên gia pháp chế trong lĩnh vực nông nghiệp cho biết, trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm hàng hóa thường theo hướng nêu rõ thông số kỹ thuật dưới dạng ở mức tối thiểu hoặc tối đa nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm không vượt quá hoặc không thấp hơn mức quy định. Bên cạnh đó, Thông tư số 9/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón đã nêu rõ chỉ tiêu chất lượng chính và mức sai lệch so với đăng ký được chấp nhận. Do đó, theo chuyên gia, HSMT yêu cầu phân bón NPK có thông số kỹ thuật “đúng bằng” như phản ánh là hạn chế nhà thầu.

Về việc HSMT yêu cầu giấy phép bán hàng đối với mặt hàng phân vô cơ, một chuyên gia về đấu thầu khẳng định: “Đây là hàng hóa thông dụng, có sẵn trên thị trường, đã được tiêu chuẩn hóa và được bảo hành theo quy định của nhà sản xuất. Pháp luật về đấu thầu không yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác hoặc tài liệu khác có giá trị tương đương”. Yêu cầu như HSMT là hạn chế nhà thầu tham dự.

Chuyên đề