Mối lo lạm phát kéo S&P 500 và Nasdaq giảm điểm

0:00 / 0:00
0:00
Trong phiên ngày thứ Tư (17/2) ở Phố Wall, nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu công nghệ và lo ngại về vấn đề lạm phát...
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Bloomberg.
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Bloomberg.

Hai chỉ số Nasdaq và S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ cùng giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (17/2), khi nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu công nghệ và lo ngại về vấn đề lạm phát.

Trong khi đó, chỉ số Dow Jones chốt phiên ở đỉnh mới, nhờ mức tăng mạnh của cổ phiếu Verizon và Chevron. Hai cổ phiếu này tăng tương ứng 5,2% và 3% sau khi tập đoàn Berkshire Hathaway của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett tiết lộ đã gom mua một lượng lớn.

Cổ phiếu công nghệ dẫn đầu sự giảm điểm của Nasdaq và S&P 500, hãng tin Reuters cho hay. Nhiều cổ phiếu công nghệ lớn như Apple, PayPal và Nvidia cùng gây áp lực lên cả hai chỉ số. Nhóm công nghệ thuộc S&P 500 chốt phiên với mức giảm 1%.

Trái lại, nhóm năng lượng với mức tăng 1,5% đã giữ vai trò trụ đỡ quan trọng cho S&P 500 trong phiên này, khi thời tiết lạnh giá tới mức đóng băng ở bang Texas của Mỹ khiến hoạt động khai thác dầu thô và lọc dầu ở bang này bị ngưng trệ, đẩy giá dầu thế giới lập đỉnh mới.

Ngoài ra, doanh thu bán lẻ của Mỹ khởi sắc mạnh cũng giúp nhóm cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu tăng 0,7%.

S&P 500 và Nasdaq thu hẹp mức giảm, còn Dow Jones nới rộng độ tăng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ diễn ra hồi tháng 1.

Theo biên bản trên, tất cả các thành viên của Ủy ban Thị trường mở (FOMC) - cơ quan quyết định lãi suất trong Fed - ủng hộ quyết định duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Fed đã cam kết giữ lãi suất ở mức gần 0 cho tới khi lạm phát tăng lên mức 2%, thậm chí có thể vượt qua mục tiêu này.

"Thị trường đang phản ánh chính xác sự kết hợp giữa lãi suất thấp duy trì và chủ trương tiếp tục giữ chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed", ông Oliver Pursche, Chủ tịch Bronson Meadows Capital Management, phát bieur.

Tuy nhiên, lập trường chính sách của Fed, cộng thêm kế hoạch kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD của Tổng thống Joe Biden, đã khiến một số nhà phân tích đưa ra cảnh báo về nguy cơ lạm phát tăng mạnh. Vì vậy, một số nhà đầu tư bắt đầu lo ngại rằng Fed có thể điều chỉnh lập trường sớm hơn dự kiến.

Nỗi sợ này - vốn đã được đẩy lên trong thời gian gần đây bởi đà tăng mạnh của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ - đang gây áp lực giảm điểm lên thị trường. Trong bối cảnh như vậy, nhiều nhà đầu tư tiến hành chốt lời ở những cổ phiếu công nghệ - một trong những nhóm dẫn đầu sự tăng điểm của thị trường thời gian qua.

Theo ông Michael O’Rourke, chiến lược gia trưởng của Jones Trading, sức ép lạm phát có thể buộc Fed phải đảo ngược chính sách trong tương lai, nhưng "có một ngưỡng rất cao cần phải được phá vỡ thì Fed mới hành động như vậy".

Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 0,29%, đạt 31.613,02 điểm - cao nhất mọi thời đại. S&P 500 hạ 0,03%, còn 3.931,33 điểm. Nasdaq trượt 0,58%, còn 13.965,5 điểm.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá phiên này nhiều gấp 1,42 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,6 lần. Có tổng cộng 14,31 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 15,99 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư