Thị trường của nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ được mở rộng hơn bao giờ hết. Ảnh: Nhã Chi |
Lượng công việc khổng lồ
Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Nguyễn Hoa Cương cho biết, Luật Hỗ trợ DNNVV sẽ tạo nhiều điều kiện để các DNNVV tham gia được nhiều hơn tại các gói thầu mua sắm, cung ứng dịch vụ công. Mua sắm, cung ứng dịch vụ công là những lĩnh vực khá đa dạng, nhu cầu thường xuyên và cần sự cạnh tranh để lựa chọn được nhà thầu đủ năng lực. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, Luật sư Phan Thông Anh, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nhấn mạnh, trên thực tế, hiện nay, hầu như các DNNVV chưa tham gia được vào việc cung ứng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công, mà chủ yếu là các doanh nghiệp có tên tuổi mới đủ sức tham gia các gói thầu này.
Theo kiến nghị của nhiều luật sư, Luật Hỗ trợ DNNVV cần quy định chính sách cụ thể cho DNNVV có thể tham gia cung ứng hàng hóa, dịch vụ công với các quy định chi tiết về lĩnh vực, tỷ lệ, cơ chế giá và địa bàn mà Nhà nước khuyến khích DNNVV tham gia, đặc biệt là những gói thầu nhỏ. Có như vậy, cơ hội cho các nhà thầu là DN cấp nhỏ và siêu nhỏ mới vững chắc hơn. “Trước yêu cầu phát triển của nền kinh tế, các DN đều phải ở trong trạng thái bắt buộc phải lớn mạnh, DN nhỏ phải phát triển thành DN vừa và hơn nữa. Thực trạng này đòi hỏi chúng ta phải có một chính sách đủ mạnh, đây là căn cứ để thực hiện kế hoạch xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV. Luật được xây dựng theo hướng nhìn từ góc độ quy mô của DN, đồng thời, khắc phục những cản trở do quy mô nhỏ và vừa của DN gây ra; tạo điều kiện cho các DNNVV phát triển. Nhà nước phải tạo khung pháp lý “mở” bảo vệ quyền và lợi ích của DNNVV. Khung pháp lý với tiêu chí tôn trọng DN, tạo điều kiện cho DN và coi DN là lực lượng đóng góp lớn nhất cho xã hội”, Luật sư Võ Thị Như Ngọc chia sẻ.
Theo UBND TP.HCM, hoạt động lựa chọn nhà thầu mua sắm, cung ứng dịch vụ công tại đô thị lớn nhất cả nước này sẽ vô cùng đa dạng. Trong đó, riêng ngành giao thông vận tải đã có hàng chục lĩnh vực sẽ phải đấu thầu như: kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng công trình đường bộ; quản lý, bảo dưỡng thường xuyên công trình cầu, đường bộ, hầm đường bộ; chiếu sáng đô thị; đường thuỷ nội địa; thoát nước đô thị… Từ đó cho thấy, theo tinh thần của Luật Hỗ trợ DNNVV, số lượng nhà thầu là DN cấp nhỏ và siêu nhỏ được tiếp cận với các dịch vụ công sẽ được “mở” hơn trước rất nhiều. Đây là động lực rất lớn, thị trường rộng cho các DNVVN thỏa sức cạnh tranh, bứt phá.
Cần sự đồng bộ về chính sách
Thực tế cho thấy, hiện không thiếu những chính sách hỗ trợ dành cho DNNVV, và các chính sách này nhìn chung đã bao quát mọi mặt của DN. Song, khi đưa vào thực tế thì còn nhiều bất cập, phần lớn là do sự thiếu chủ động của các bộ, ngành và địa phương trong khi ban hành chính sách hỗ trợ DNNVV. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia và luật sư dành mối quan tâm sâu sắc đến DNNVV, chính sách đấu thầu đã đi đầu trong việc tạo ra thị trường, việc làm và cơ hội cạnh tranh cho DNNVV từ rất sớm.
Cụ thể, trong việc quy định gói thầu xây lắp có giá trị không quá 5 tỷ đồng chỉ cho phép nhà thầu là doanh nghiệp cấp nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp tham gia đấu thầu, chính sách đấu thầu thực sự tạo ra rất nhiều cơ hội lớn cho các nhà thầu, DNNVV trên toàn quốc.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, ông Phạm Ngọc Hưng nhấn mạnh: “DNNVV thực sự đã được cởi trói rất nhiều, tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều khi tham gia đấu thầu tại các gói dành riêng cho DN cấp nhỏ và siêu nhỏ”. “Qua hơn một năm Bộ Kế hoạch và Đầu tư quán triệt tinh thần gói thầu quy mô nhỏ chỉ dành cho nhà thầu là DN cấp nhỏ và siêu nhỏ, hàng ngàn DNNVV trên cả nước như chúng tôi đã được tạo thêm động lực rất lớn để tích cực tham gia đấu thầu nhiều hơn. Thị trường của các nhà thầu là DNNVV của Việt Nam được mở cửa hơn bao giờ hết”, ông Nguyễn Bá Hải, đại diện một nhà thầu xây lắp tại TP.HCM cho biết.
Tuy nhiên, để DNNVV phát triển, chỉ riêng chính sách về đấu thầu và xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV vẫn chưa đủ. “Cần sửa đổi các luật khác có liên quan đến DN. Đơn cử như thay đổi thủ tục về hồ sơ kế toán cho DNNVV, khác với các DN lớn như hiện nay (hiện đang cào bằng). DNNVV cần phải có bộ hồ sơ về kế toán đơn giản hơn, tương tự như trước đây, việc kê khai thuế của các DN đều thực hiện như nhau. Nay, đối với các DNNVV chỉ phải kê khai theo quý. Riêng về phần hồ sơ kế toán thì vẫn thực hiện như các DN lớn. Đây là việc làm khó khăn, phức tạp nhất đối với các DNNVV khi tham gia đấu thầu các dự án nói chung và các dự án đầu tư công nói riêng. Cũng như việc giải trình về hồ sơ khi vay vốn ở các tổ chức tín dụng, nếu hồ sơ đơn giản, các DN sẽ giải trình một cách rõ ràng, nhưng hồ sơ phức tạp thì họ không thể làm được. Chính vì vậy mà một số DNNVV phải làm giả hồ sơ để được vay vốn hoặc được tham gia đấu thầu. Bên cạnh đó, tâm lý của rất nhiều đơn vị được giao sử dụng ngân sách khi tổ chức đấu thầu đều áp đặt, đòi hỏi nhà thầu phải lớn, hồ sơ “đẹp” mà làm giảm đi tinh thần hỗ trợ DNNVV của chính sách đấu thầu hiện có”, Luật sư Hoàng Văn Sơn chia sẻ.