Có 14 nhà đầu tư đến mua hồ sơ nhưng tính đến thời điểm đóng sơ tuyển, chỉ có 5 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển. Ảnh: Khánh Ngọc |
Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng chi phí thực hiện Dự án lên tới 1.800 tỷ đồng. Hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu rộng rãi quốc tế có sơ tuyển.
Mục tiêu của Dự án là đầu tư khu xử lý chất thải (gồm hạ tầng kỹ thuật chung và công trình nhà máy trên đất) cho khu vực phía Tây thành phố Hà Nội theo công nghệ tiên tiến, đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường của Việt Nam; đáp ứng các chỉ tiêu quy hoạch xây dựng được duyệt, chất thải trơ sau xử lý phải chôn lấp <15% lượng đầu vào; giá thành xử lý chất thải hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội.
Bên mời thầu cho biết, trong thời gian phát hành hồ sơ mời sơ tuyển đã có 14 nhà đầu tư đến mua hồ sơ nhưng tính đến thời điểm đóng sơ tuyển, chỉ có 5 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự sơ tuyển (HSDST), gồm: Liên danh Năng lượng xanh xử lý rác thải sinh hoạt; Liên danh Công ty CP Đầu tư Sông Đà - Việt Đức và Tập đoàn Hitachi Zosen; Shanghai SUS Environment Co., Ltd.; Công ty TNHH Kiểm soát vốn môi trường Cẩm Giang Trung Quốc; Công ty TNHH China Everbright quốc tế.
Điểm đáng chú ý là trong số 5 nhà đầu tư đã nộp HSDST, có 4 nhà đầu tư ghi hiệu lực của HSDST là 180 ngày kể từ ngày 7/4/2018. Riêng HSDST của nhà đầu tư Shanghai SUS Environment Co., Ltd. ghi hiệu lực của HSDST là 30 ngày kể từ ngày 7/4/2018. Tại Lễ mở HSDST, đại diện nhà đầu tư này xác nhận thông tin về hiệu lực của HSDST là chính xác và không có ý kiến gì về vấn đề này.
Ông Đặng Việt Trung, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố Hà Nội cho biết, Bên mời thầu sẽ tổ chức chấm sơ tuyển nhà đầu tư, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhà đầu tư trúng sơ tuyển trong thời gian sớm nhất.