Mở lối thoát cho dự án điện tái tạo bị “treo”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các dự án điện mặt trời (ĐMT), điện gió không có sai phạm, hoặc đã và đang khắc phục những vi phạm, sai phạm, nếu đáp ứng quy định pháp luật, tiêu chí an toàn hệ thống, hiệu quả kinh tế - xã hội sẽ có cơ hội được tháo gỡ và đưa vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo như vậy và nếu các dự án được rà soát, tháo gỡ theo chỉ đạo này thì đây chính là tin vui đối với các nhà đầu tư năng lượng tái tạo.
Nhiều dự án điện tái tạo bị đình trệ, bế tắc sau khi kết luận thanh tra được ban hành đang chờ hướng tháo gỡ Ảnh: Hồng Liên
Nhiều dự án điện tái tạo bị đình trệ, bế tắc sau khi kết luận thanh tra được ban hành đang chờ hướng tháo gỡ Ảnh: Hồng Liên

Dự án “treo” làm lãng phí nguồn lực đầu tư

Tại cuộc họp về việc bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, nhằm bảo đảm yêu cầu phát triển các dự án ĐMT tập trung để thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp, Bộ Công Thương đã rà soát, kiến nghị Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các đơn vị khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến 154 dự án ĐMT tập trung thuộc diện thanh tra, điều tra đã có kết luận thanh tra, để các địa phương và chủ đầu tư có thể sớm triển khai các dự án phù hợp với cơ cấu nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII.

Về vấn đề này, đại diện cơ quan thanh tra cũng cho biết, các dự án ĐMT đã có kết luận thanh tra thì không còn thuộc diện đang thanh tra, điều tra. Theo đó, Bộ Công Thương rà soát, xác định rõ những dự án đã khắc phục, xử lý xong theo kết luận thanh tra, đáp ứng đủ tiêu chí để đưa vào Kế hoạch.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một nhà đầu tư điện tái tạo ở Bến Tre bày tỏ, đây là thông tin đáng mừng với các nhà đầu tư có dự án bị “treo” sau kết luận thanh tra, bởi nó mở ra hy vọng khơi dậy tính hiệu quả của nguồn lực doanh nghiệp đã đầu tư. “Đây là một lối mở cho các chủ đầu tư, nhất quán với chủ trương khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và không lãng phí nguồn lực đầu tư”, nhà đầu tư nhìn nhận.

Theo nhà đầu tư này, nhiều dự án đầu tư xong hoặc đã được phát điện lên lưới nhưng bị “treo” sau kết luận thanh tra thì rất lãng phí. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư các dự án điện tái tạo thường rất lớn, có những dự án hàng nghìn tỷ đồng, nhà đầu tư thường phải huy động vốn từ các ngân hàng. Nếu không có hướng tháo gỡ cho các dự án này thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền của nhà đầu tư, đồng thời nhiều ngân hàng phải đối mặt với rủi ro nợ xấu.

Nhiều dự án điện mặt trời, điện gió sẽ có cơ hội được đưa vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII Ảnh minh họa: Nhã Chi

Nhiều dự án điện mặt trời, điện gió sẽ có cơ hội được đưa vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII Ảnh minh họa: Nhã Chi

Quyết liệt gỡ vướng cho nhà đầu tư

Ủng hộ chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ đối với việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án ĐMT, nhưng một số nhà đầu tư ĐMT ở Bình Thuận, Đắk Nông, Bến Tre… cho biết, điều họ quan tâm nhất là các bộ ngành và địa phương liên quan tới đây sẽ thực thi thế nào. Thực tế, thời gian qua có tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, không rõ phương án xử lý ra sao nên nhiều việc cứ “giậm chân tại chỗ” khiến doanh nghiệp rất nản. “Cấp trên cần chỉ đạo mạnh mẽ, triệt để, không thì cấp dưới không dám làm, vì cấp dưới sợ cảnh “sáng đúng, chiều sai””, nhà đầu tư nhấn mạnh.

Một nhà đầu tư ĐMT ở Bình Thuận cho hay, trước khi dự án được triển khai đã được Bộ Công Thương hoặc địa phương chấp thuận đầu tư, cho phép xây dựng, nhưng sau đó Thanh tra Chính phủ kết luận doanh nghiệp vi phạm do đầu tư trên đất khoáng sản. Trong khi đó, bản thân nhà đầu tư cũng không biết quy hoạch này. Với kết luận như vậy, doanh nghiệp không thể làm được gì, đến nay lãnh đạo doanh nghiệp chưa được gỡ lệnh cấm xuất cảnh…

Theo đó, nhà đầu tư đề nghị, với định hướng mới của lãnh đạo Chính phủ, các cơ quan chức năng cần quyết liệt vào cuộc tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư, bởi có những dự án vừa vướng liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư hay điều kiện khởi công, công tác nghiệm thu, vận hành thương mại…

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Huy Hoạch, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, các dự án có những sai phạm nhất định đã được cơ quan thanh tra nêu rõ, nhưng cấp trên đã có “lối mở” để không lãng phí nguồn lực đầu tư. Theo đó, công tác rà soát, gỡ khó cho các dự án này cần được các cấp triển khai quyết liệt để những nguồn lực đã đầu tư có cơ hội mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý, để cập nhật, bổ sung dự án vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, cơ quan chức năng cần rà soát thật kỹ để lựa chọn được những dự án thực sự có hiệu quả, góp phần bổ sung nguồn điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Về mặt kỹ thuật, nếu tất cả các dự án này được huy động đồng thời sẽ gây quá tải lưới điện. Theo đó, cơ quản quản lý cần tính toán cẩn trọng để vừa mở lối cho các dự án đang bị “treo”, vừa bảo đảm an toàn hệ thống điện.

Chuyên đề