Mở cơ chế, tăng cơ hội hút vốn tư nhân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Không chỉ hạ tầng giao thông, nhiều lĩnh vực khác có nhu cầu đầu tư lớn cần dựa cả vào nguồn lực của Nhà nước và nguồn lực của xã hội. Trong đó, lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao đang được nhiều địa phương đề xuất áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
TP.HCM đang có danh mục nhiều dự án lớn, quan trọng về văn hóa, với vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng vốn đầu tư công mới bố trí được phần nhỏ. Ảnh: Giang Sơn Đông
TP.HCM đang có danh mục nhiều dự án lớn, quan trọng về văn hóa, với vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng vốn đầu tư công mới bố trí được phần nhỏ. Ảnh: Giang Sơn Đông

Tại Dự thảo mới nhất (ngày 7/2/2023) Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm, tạo động lực phát triển TP.HCM, Thành phố kiến nghị được áp dụng Luật PPP với các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa và thể thao. Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao không thấp hơn 100 tỷ đồng, trừ loại hợp đồng O&M.

Trước đó, tại Hội thảo Văn hóa 2022, Lãnh đạo TP.HCM cũng đề xuất vấn đề này. TP.HCM đang có danh mục nhiều dự án lớn, quan trọng về văn hóa, với vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng, nhưng vốn đầu tư công mới bố trí được phần nhỏ. Việc đưa các lĩnh vực này nằm trong diện điều chỉnh theo quy định của Luật PPP mở ra cơ chế để thu hút nguồn lực từ tư nhân khi thực tế cho thấy nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực này là có.

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đề xuất bổ sung lĩnh vực văn hóa vào nhóm ngành nghề ưu đãi đầu tư, được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP vì nhu cầu đầu tư cho hạ tầng văn hóa là rất lớn, vốn đầu tư công bố trí không thể đáp ứng.

Không chỉ TP.HCM, một số địa phương khác cũng có đề xuất này. Từ hình ảnh của sân vận động Mỹ Đình trong những trận đấu vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nói tại Hội nghị tổng kết Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), rằng lĩnh vực nào cũng có thể hợp tác thu hút tư nhân đầu tư được, từ quản lý công viên, sân vận động, bảo tàng, nhà khách, trụ sở… Ví dụ như Công viên Thống nhất, Sân vận động Mỹ Đình, đấu thầu cho nhà đầu tư tư nhân vào cải tạo, quản lý khai thác, không thể cứ trông chờ vốn nhà nước dẫn đến một sân vận động lớn như vậy không khai thác được. Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT nghiên cứu, xem xét vấn đề này, mở rộng đối tượng áp dụng hơn.

Nhu cầu vốn đầu tư vào hạ tầng văn hóa, thể dục thể thao rất lớn nhưng chưa thu hút được nhà đầu tư tư nhân vì khó thu hồi vốn. Ảnh: Lê Tiên

Nhu cầu vốn đầu tư vào hạ tầng văn hóa, thể dục thể thao rất lớn nhưng chưa thu hút được nhà đầu tư tư nhân vì khó thu hồi vốn. Ảnh: Lê Tiên

Quan điểm được Thủ tướng nhiều lần nhấn mạnh là vốn đầu tư công chỉ là vốn mồi để dẫn dắt thu hút vốn tư nhân, không có vốn tư nhân thì khó đáp ứng nhu cầu đầu tư.

Theo một chuyên gia về PPP, trước khi Luật PPP được ban hành, tại Nghị định về PPP của Chính phủ, văn hóa, thể thao, du lịch là những lĩnh vực khuyến khích thực hiện đầu tư theo phương thức PPP. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai các dự án PPP chủ yếu trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, năng lượng..., rất ít dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Ngoài ra, do chi phí chuẩn bị lớn, để đầu tư có trọng tâm trọng điểm, hướng vào các dự án lớn, có tác động lan tỏa, Luật PPP quy định giới hạn 5 lĩnh vực áp dụng phương thức PPP gồm: giao thông; lưới điện, nhà máy điện (trừ nhà máy thủy điện và trường hợp Nhà nước độc quyền theo quy định của Luật Điện lực); thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải; y tế, giáo dục - đào tạo; hạ tầng công nghệ thông tin. Theo chuyên gia này, để tăng tính khả thi, cần tính toán có cơ chế để tăng sức hấp dẫn của dự án PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao…, vì thu hồi vốn trong các lĩnh vực này khá khó khăn.

Trao đổi với báo chí, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM Trần Anh Tuấn chia sẻ, cách thức khai thác dự án PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao cần thay đổi. Nếu chỉ đầu tư và khai thác dịch vụ thu tiền vé thì không thể bù đắp chi phí đầu tư theo phương thức PPP, cần kết hợp với thương mại, dịch vụ kèm theo. Ví dụ, tại các công trình này có thể cho phép khai thác nhà hàng, thương mại thì dòng tiền nhà đầu tư thu về mới tối ưu, thời gian thu hồi vốn nhanh hơn mới có thể tạo được sự hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Được biết, hiện Bộ KH&ĐT đang nghiên cứu vấn đề này, việc sửa đổi Luật PPP cần lộ trình dài hơn, có đánh giá đầy đủ hơn, trước mắt có thể thí điểm ngay với TP.HCM khi xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm, tạo động lực phát triển. Theo Bộ KH&ĐT, đây cũng là một quy định phù hợp và đang phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu để báo cáo Quốc hội. Từ thí điểm tại TP.HCM sẽ có cơ sở sửa đổi Luật PPP trong thời gian tới.

Chuyên đề