Mở cánh cửa liên kết vùng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để đưa Quảng Ngãi từ tỉnh phát triển khá của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thành địa phương phát triển khá của cả nước vào năm 2030, bên cạnh tập trung đầu tư, khai thác và phát huy nội lực, Quy hoạch Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 mở toang cánh cửa liên kết Quảng Ngãi với khu vực và quốc tế nhằm quảng bá tiềm năng, tranh thủ tiếp cận các nguồn lực, đa dạng các kênh thu hút doanh nghiệp đến đầu tư.
Giao thông ngày càng thuận lợi tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050
Giao thông ngày càng thuận lợi tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050

Hạ tầng giao thông đi trước, định hình không gian phát triển

“Là địa phương hội đủ các loại hình giao thông: đường bộ, đường biển, đường sắt Bắc - Nam, đường hàng không và đường thuỷ nên Quảng Ngãi phải tận dụng lợi thế này và cụ thể hoá định hướng phát triển trong Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050”, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ từng nhấn mạnh trong những lần làm việc với tỉnh Quảng Ngãi.

Tranh thủ các ý kiến từ cơ quan chuyên môn và nguồn vốn từ Trung ương, Quảng Ngãi đã chủ động bố trí vốn đầu tư mở rộng Quốc lộ 1A, đường Trường Sơn Đông, đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh… và phối hợp khai thác Cảng hàng không Chu Lai. Giao thông ngày càng thuận lợi đang tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đang được Trung ương triển khai.

TS.KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận xét, thông qua Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, một đô thị Quảng Ngãi khá hoàn hảo đã định hình trong mối liên kết, tương quan và tương hỗ với các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, kết nối với vùng Tây Nguyên và cả nước có tính đến hội nhập.

Cách đây khoảng 10 năm, TS. Trần Du Lịch, Trưởng Nhóm tư vấn Ban điều phối vùng duyên hải miền Trung khuyến nghị, Quảng Ngãi là địa phương trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có lợi thế vô cùng lớn nhưng chưa khai thác được do địa lý bị chia cắt. Muốn phát triển nhanh và bền vững, Quảng Ngãi phải quy hoạch theo hướng đặt mình trong mối tương quan với khu vực theo các chiều liên kết bằng các hành lang kinh tế và không gian phát triển.

Hiện nay, các nội dung đó đã hiện diện trong Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. 4 hành lang kinh tế chiến lược đã định hình rõ nét cấu trúc không gian phát triển của tỉnh Quảng Ngãi, bao gồm: hành lang kinh tế Bắc Nam từ Dung Quất - TP. Quảng Ngãi - Sa Huỳnh (hành lang Bắc - Nam quốc gia); hành lang Ba Vì (huyện Ba Tơ) - Sơn Hà - Sơn Tây - Trà Bồng (hành lang liên kết nội tỉnh, dọc theo các tỉnh lộ 622, 626 và 24B kết nối từ Trà Bồng đến Ba Tơ); hành lang Lý Sơn - Dung Quất - Trà Bồng - Trà My dọc Quốc lộ 24C mở rộng kết nối Trà My và cửa khẩu Nam Giang của tỉnh Quảng Nam (hành lang Đông - Tây phía Bắc); hành lang kinh tế dọc Quốc lộ 24 Sa Huỳnh - Ba Tơ - Bờ Y từ Phổ An đi Thạch Trụ - Phổ Phong đến Ba Tơ - Kon Tum - Bờ Y - Ngọc Hồi của tỉnh Kon Tum (hành lang Đông Tây phía Nam).

Ông Nguyễn Công Hoàng, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, nay là Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh chia sẻ, các hành lang kinh tế chiến lược này đã định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo đặc trưng cho từng vùng kèm theo định hướng phát triển các chuỗi đô thị theo từng cấp độ để đảm bảo sự phát triển cân bằng và thúc đẩy liên kết giữa các vùng, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư. Ở mỗi hành lang kinh tế đều được định hình một cửa ngõ liên kết, thông thương với địa phương lân cận, khu vực xung quanh để tạo mối quan hệ cộng sinh thúc đẩy cùng phát triển.

Mở đường hội nhập

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ngãi Nguyễn Văn Trọng cho biết, tại Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, phương án phát triển mạng lưới giao thông bám sát định hướng của quy hoạch cấp quốc gia để Quảng Ngãi liên kết liền mạch, phát huy lợi thế cạnh tranh với các địa phương trong nước. Đồng thời, nâng tầm hạ tầng của địa phương lên hiện đại, đồng bộ, liên thông, đảm bảo liên kết ổn định, bền vững.

Nghị quyết số 26-NQ/TƯ, Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị… đã tạo thuận lợi nhưng cũng đặt lên vai Quảng Ngãi một sứ mệnh mới, đó là trở thành cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, bên cạnh các dự án huyết mạch quốc gia đã và đang đầu tư, Quy hoạch có định hướng nghiên cứu xây dựng cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum (chờ bổ sung vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia) nhằm tăng cường năng lực liên kết giữa tỉnh Quảng Ngãi với Tây Nguyên thông qua cánh cửa Kon Tum. Đồng thời, sẽ trình cấp có thẩm quyền cho chủ trương thực hiện Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Quảng Nam trong kỳ quy hoạch 2021 - 2030 khi Tỉnh huy động đủ nguồn lực thực hiện; xây dựng mới tuyến đường sắt đô thị tại Khu kinh tế Dung Quất liên kết với Quảng Nam; nghiên cứu phát triển cảng hàng không, sân bay tại vị trí có tiềm năng là huyện đảo Lý Sơn khi đảm bảo các điều kiện theo quy định. Đối với hệ thống cảng biển, cảng và đường thủy nội địa, Quảng Ngãi thực hiện theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghiên cứu đầu tư trung tâm logistics cấp vùng tại Khu kinh tế Dung Quất, là đầu mối kết hợp đa phương thức vận tải.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị, Quảng Ngãi cần tiên phong phát huy vai trò, vị thế và tiềm năng của địa phương là một trong các cửa ngõ giao thương quốc tế, nhất là liên kết khu vực Nam Quảng Ngãi - Bắc Bình Định và Quảng Ngãi - Tây Nguyên. Nghị quyết số 26-NQ/TƯ, Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, các nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị… đã tạo thuận lợi nhưng cũng đặt lên vai Quảng Ngãi một sứ mệnh mới, đó là trở thành cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung. Sứ mệnh, vai trò, vị trí của Quảng Ngãi phải khác, phải làm sao đóng góp xứng đáng trong vùng động lực này, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.

Để đạt được hiệu quả cao nhất trong triển khai các nhiệm vụ sau Quy hoạch, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Quảng Ngãi cần tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng vùng biển và ven biển, phát triển hệ thống hạ tầng dùng chung mang tính kết nối vùng và liên vùng như: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa bàn các tỉnh trong vùng; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24 đoạn qua địa bàn Quảng Ngãi và đoạn từ Quảng Ngãi đi Kon Tum; phát triển hệ thống logistics tại vùng Duyên hải miền Trung. Nâng cấp, hoàn thiện tuyến đường sắt Bắc - Nam. Xúc tiến việc đầu tư sân bay Chu Lai thành sân bay quốc tế; nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch sân bay tại đảo Lý Sơn theo các nội dung được xác định trong Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, làm cơ sở xây dựng đề án nghiên cứu, phát triển cảng hàng không dân dụng đáp ứng yêu cầu tại Văn bản số 1260/BGTVT-KHĐT ngày 13/2/2023 của Bộ Giao thông vận tải.

Hiện nay, bên cạnh liên kết cứng về hạ tầng giao thông, Quảng Ngãi đã liên kết phát triển du lịch giữa TP. Hà Nội, TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn 2020 - 2025. Ở lĩnh vực chuyển đổi số, Quảng Ngãi đề ra hướng liên kết khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước theo hướng chặt chẽ, tối ưu nguồn lực và tạo những chuỗi giá trị mới.

Chuyên đề