Mở 3 gói thầu mua sắm tập trung thiết bị dạy học tại Đồng Tháp: Thu hút nhiều nhà thầu cạnh tranh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Đồng Tháp (Chủ đầu tư) vừa tiến hành mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật 3 gói thầu thuộc Kế hoạch mua sắm tập trung thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường trên địa bàn Tỉnh. Kết quả mở thầu cho thấy, 3 gói thu hút nhiều nhà cung cấp tên tuổi trong lĩnh vực thiết bị học đường trên phạm vi cả nước.
3 gói thầu thuộc Kế hoạch mua sắm tập trung thiết bị dạy học tối thiểu thu hút nhiều nhà cung cấp tên tuổi trong lĩnh vực thiết bị học đường trên phạm vi cả nước. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
3 gói thầu thuộc Kế hoạch mua sắm tập trung thiết bị dạy học tối thiểu thu hút nhiều nhà cung cấp tên tuổi trong lĩnh vực thiết bị học đường trên phạm vi cả nước. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Ba gói thầu sử dụng vốn xổ số kiến thiết, lựa chọn nhà thầu thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi qua mạng, do Công ty CP Công nghệ thông tin và Truyền thông ICC làm bên mời thầu.

Kết quả mở thầu cho thấy, Gói thầu Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 (giá dự toán 29,326 tỷ đồng) ghi nhận 4 nhà thầu tham dự, gồm: Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Phương Trúc; Công ty CP Quốc tế MBA; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Phúc Gia Khang; Công ty TNHH Nhật Linh Đà Nẵng.

Gói thầu Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2 (giá dự toán 34,751 tỷ đồng) thu hút tới 6 nhà thầu, gồm: Công ty TNHH Tuyết Nga; Công ty TNHH Thiết bị giáo dục và Đồ chơi Tràng An; Công ty TNHH Nhật Linh Đà Nẵng; Liên danh Công ty CP Giáo dục Mekong - Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ Sao Mai - Công ty TNHH MTV Sách thiết bị trường học Hà Nội; Liên danh Công ty CP Nghe nhìn giáo dục - Công ty TNHH Thiết bị giáo dục Huỳnh Anh - Công ty TNHH Sản xuất thương mại Liên Thành Phát; Liên danh Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Hoàng Vinh - Công ty TNHH Thiết bị trường học Phục Hưng.

Riêng Gói thầu Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6 (giá dự toán 36,581 tỷ đồng), Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Sao Việt là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu.

Theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn các nhà cung cấp kể trên đều đã từng có kinh nghiệm tham dự và trúng nhiều gói thầu mua sắm tập trung thiết bị giáo dục quy mô lớn trên phạm vi cả nước. Trong đó, Liên danh Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Phương Trúc - Công ty TNHH Thiết bị giáo dục Huỳnh Anh - Công ty TNHH Sản xuất thương mại Liên Thành Phát từng trúng đồng thời 2 gói thầu mua thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2 và 6 trên địa bàn tỉnh Bến Tre năm 2021, với tổng giá trúng thầu 106,058 tỷ đồng. Tháng 3/2022, Liên danh Phương Trúc - Huỳnh Anh được Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang lựa chọn là nhà cung cấp Gói thầu Mua sắm trang thiết bị tối thiểu lớp 2 trên địa bàn tỉnh, với tổng giá trị hợp đồng 36,062 tỷ đồng...

Tháng 7/2022, Liên danh Công ty CP Quốc tế MBA - Công ty CP Nghe nhìn giáo dục được Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau phê duyệt trúng Gói thầu Mua sắm tập trung thiết bị lớp 6, giá trúng thầu 30,368 tỷ đồng. Tháng 12/2021, Liên danh được chọn là nhà cung cấp Gói thầu Mua sắm thiết bị thiết bị giáo dục phổ thông lớp 2, lớp 6 trên địa bàn huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, giá trúng thầu 16,691 tỷ đồng...

Trong quá trình mời thầu, 3 gói thầu trên đều phát sinh kiến nghị xoay quanh một số yêu cầu được cho là có thể gây hạn chế cạnh tranh. Theo phản ánh, tại Gói thầu Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, hồ sơ mời thầu (HSMT) quy định “đối với các hàng hóa là tranh/ảnh, video/clip, yêu cầu nhà sản xuất hoặc đơn vị liên kết xuất bản có giấy đăng ký chứng nhận quyền tác giả thì mới đạt đánh giá tính hợp lệ của hàng hóa dự thầu”. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là yêu cầu này lại không được đặt ra đối với các loại hàng hóa tương tự tại Gói thầu Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 và Gói thầu Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 6. Từ đó, các nhà thầu cho rằng, việc không quy định đồng nhất tiêu chí đánh giá đối với cùng một chủng loại hàng hóa mời thầu là điều bất thường, không loại trừ khả năng mang tính định hướng nhà thầu. Mặt khác, có ý kiến cho rằng, tiêu chí này không phù hợp vì bất kỳ xuất bản phẩm nào khi được cấp giấy phép lưu hành đồng nghĩa với việc tác giả và đơn vị sản xuất đã bảo đảm thủ tục chứng minh tính hợp lệ về sở hữu trí tuệ và chịu trách nhiệm về vi phạm bản quyền (nếu có). Do đó, với tư cách là đơn vị trung gian cung cấp, nhà thầu không có nghĩa vụ phải đề xuất dạng giấy phép này.

Ngoài ra, yêu cầu về các tiêu chuẩn như ISO 9001:2015, ISO 14001:2015 và ISO 45001:2018 cũng được cho là không phù hợp để áp dụng đối với một số danh mục hàng hóa thông dụng trên thị trường (tivi, hàng thể thao, thiết bị nhựa, hàng gia công...).

Tiếp thu quan điểm từ phía các nhà thầu, ngày 29/9/2022, Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp điều chỉnh HSMT theo hướng bỏ yêu cầu về “giấy chứng nhận quyền tác giả” đối với tranh/ảnh và các loại video/clip như phản ánh, nhằm gia tăng cạnh tranh tại cuộc thầu.

Chuyên đề