Minh bạch quy trình chọn nhà đầu tư dự án xã hội hóa

(BĐT) - Nghị định số 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư đã bổ sung phạm vi điều chỉnh, gồm cả các dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa. Quy định này được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cho nhiều nhà đầu tư tham gia đấu thầu các dự án xã hội hóa.
Các quy định tại Nghị định 25/2020/NĐ-CP được kỳ vọng tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư tham gia đấu thầu các dự án xã hội hóa. Ảnh: Trần Sơn
Các quy định tại Nghị định 25/2020/NĐ-CP được kỳ vọng tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư tham gia đấu thầu các dự án xã hội hóa. Ảnh: Trần Sơn

Thông qua chủ trương xã hội hóa, nguồn vốn lớn từ khu vực tư nhân đã được huy động vào nhiều lĩnh vực như giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường... Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều bộ, ngành, địa phương, đối với dự án đầu tư tư nhân trong các lĩnh vực nói trên hoặc theo pháp luật chuyên ngành như khai thác luồng giao thông đường thủy, quảng cáo đua ngựa, đua chó…, hiện chưa có quy định hướng dẫn về quy trình, thủ tục, phương pháp, tiêu chuẩn lựa chọn nhà đầu tư. Nhiều địa phương ban hành hướng dẫn trình tự thực hiện xã hội hóa riêng của tỉnh. Mỗi lĩnh vực cũng ban hành một số hướng dẫn riêng. Trong đó, việc công bố thông tin dự án xã hội hóa đa phần vẫn mang tính chất nội bộ, chủ yếu trên trang thông tin điện tử của đơn vị.

Từ đó dễ dẫn đến công tác lựa chọn nhà đầu tư trong các lĩnh vực này chưa được minh bạch, chưa tạo cơ hội cho nhiều nhà đầu tư. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến lựa chọn nhà đầu tư không đạt yêu cầu, khó kiểm soát chất lượng dịch vụ, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng.

Xã hội hóa trong lĩnh vực y tế là một ví dụ. Theo bà Lê Thị Hồng Hạnh, Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành III, hiện nay tại các bệnh viện công lập chủ yếu hợp tác theo hình thức liên doanh, liên kết (LDLK) đối với đầu tư các trang thiết bị y tế. Qua kiểm toán chỉ ra rất nhiều hạn chế, tồn tại trong hoạt động LDLK. Đó là giá dịch vụ y tế theo máy LDLK cao, thời gian thu hồi vốn nhanh, ngắn hơn thời gian ký hợp đồng LDLK làm ảnh hưởng đến lợi ích của người bệnh. Một số máy LDLK xác định tỷ lệ phân chia thu nhập không đầy đủ cơ sở tính toán, hợp đồng không quy định việc điều chỉnh tỷ lệ, không quy định thực hiện đàm phán lại với các đối tác khi số ca dịch vụ y tế đi kèm tăng cao so với dự kiến, chưa tính đủ chi phí thực tế phát sinh dẫn đến phần lớn các đối tác có lợi. Nhiều máy LDLK đã hết khấu hao nhưng vẫn thực hiện LDLK, chưa thực hiện kiểm định lại chất lượng máy…

Để hoạt động thu hút đầu tư tư nhân theo chủ trương xã hội hóa được minh bạch, hiệu quả, Nghị định 25/2020/NĐ-CP đã bổ sung quy định đối với dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa, quy định nguyên tắc lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, quy định này nhằm tạo khung pháp lý cơ bản đối với dự án tư nhân trong lĩnh vực dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường hoặc theo pháp luật chuyên ngành khi các pháp luật chuyên ngành chưa đề cập đến quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư.

Theo đó, Điều 16 Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định, danh mục dự án xã hội hóa phải được công bố rộng rãi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, làm cơ sở xác định số lượng nhà đầu tư quan tâm thực hiện dự án. Trường hợp có một nhà đầu tư quan tâm, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa. Trường hợp có hai nhà đầu tư trở lên quan tâm, việc tổ chức đấu thầu áp dụng quy trình đấu thầu rộng rãi theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ. Quy trình đấu thầu được quy định rõ tại Nghị định, trong đó yêu cầu kết quả lựa chọn nhà đầu tư phải được công khai; dự án phải thực hiện đàm phán, hoàn thiện, ký kết hợp đồng.

Sự minh bạch thông tin, công khai rộng rãi danh mục dự án được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư quan tâm, từ đó hạn chế tình trạng khép kín, đẩy mạnh đấu thầu rộng rãi, tạo dựng một thị trường cạnh tranh hơn, cũng như thuận lợi cho hoạt động giám sát rộng rãi. Từ đó nâng cao hiệu quả của hoạt động xã hội hóa, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.

Chuyên đề