Miền Trung: Vướng mặt bằng, dự án mất vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một dự án bị mất vốn hàng trăm tỷ đồng, vài dự án khác cũng có nguy cơ bị đóng khoản vay nếu tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) không theo cam kết. Thực tế này đã và đang diễn ra tại tỉnh Quảng Trị và tỉnh Quảng Nam.
Dự án Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 9 nối Quốc lộ 1 và cảng Cửa Việt. Ảnh: PLO
Dự án Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 9 nối Quốc lộ 1 và cảng Cửa Việt. Ảnh: PLO

Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị tỏ ra tiếc nuối khi nhắc đến nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) đầu tư Dự án Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 9 nối Quốc lộ 1 và cảng Cửa Việt: “Đây là nguồn vốn quý báu đầu tư cho hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội, nhưng địa phương không tận dụng được nên đã để “mất”. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là bị tắc khâu GPMB”.

Ông Tiến cho biết, giá đất tăng đột biến các năm 2020 - 2021 làm đội chi phí bồi thường từ 75 tỷ đồng theo dự toán lên 345 tỷ đồng, khiến Tỉnh bị động trong nguồn đối ứng. Trước tình huống bất khả kháng này, cuối tháng 11/2022, tỉnh Quảng Trị có tờ trình Thủ tướng Chính phủ cho gia hạn thời gian GPMB đến 31/12/2023, đến 31/6/2024 sẽ hoàn thành Dự án. Tuy nhiên, Cục Đường bộ Việt Nam thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có văn bản thông báo WB không gia hạn hiệp định vay. Dự án buộc phải kết thúc thời gian thực hiện.

Dự án sử dụng vốn dư của Dự án Quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (vốn vay WB) được Bộ GTVT phê duyệt tháng 11/2021, tổng mức đầu tư 440,368 tỷ đồng, tương đương 19,05 triệu USD. Đến thời điểm WB thông báo ngừng gia hạn hiệp định vay, GPMB mới được 4,5 km/13,8 km, vốn bố trí theo kế hoạch 221 tỷ đồng.

Không chỉ ở Quảng Trị, tại tỉnh Quảng Nam, Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP. Hội An có tổng mức đầu tư 88,50 triệu USD (tương đương 1.858,5 tỷ đồng) từ nguồn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng, thời hạn thực hiện 2015 - 2022 đang có nguy cơ bị đóng khoản vay do mới đạt giá trị giải ngân khoảng 1.087 tỷ đồng. Tính đến nay, Dự án mới hoàn thành 2 trong số 6 gói thầu, 1 gói thầu mới giải ngân được 1% vốn.

Trước nguy cơ này, tỉnh Quảng Nam đang đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án từ năm 2015 - 2022 thành 2015 - 2023, tương ứng thời gian đóng khoản vay từ 30/6/2023 thành 30/6/2024. “Đây là khoảng thời gian cần thiết để hoàn thành thi công xây dựng của tất cả gói thầu xây lắp thuộc Dự án”, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cho biết. Hiện Bộ KH&ĐT đang yêu cầu Quảng Nam giải trình về đề xuất này. Cũng tại Quảng Nam, sau khi kiểm tra thực địa Dự án Cải thiện môi trường đô thị Chu Lai - Núi Thành và làm việc với Quảng Nam tháng 12/2022, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Đức (KFW) đã đề nghị bàn giao mặt bằng trong tháng 6/2023, nếu chậm trễ sẽ không tiếp tục thực hiện hiệp định vay.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói, một khi dừng thì buộc phải chi từ ngân sách địa phương để đầu tư hoàn thiện công trình. Tuy nhiên, hiện tại nguồn lực đầu tư công rất khó khăn. Không còn cách nào khác, các địa phương phải linh hoạt xử lý trong việc bồi thường, GPMB mới có thể đạt được tiến độ, kế hoạch đề ra như cam kết.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bồi thường, GPMB, tái định cư đang là nút thắt trong đầu tư dự án hạ tầng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vướng mắc dai dẳng nhiều năm chưa thể giải quyết khiến nhiều địa phương trên cả nước đang trả giá đắt với các công trình chậm tiến độ, lãng phí vốn đầu tư.

Theo quy định, việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải đi trước một bước khi thực hiện giải tỏa, nhưng đa số địa phương không chủ động được quỹ đất, ít trả lời được câu hỏi đất quy hoạch cho tái định cư ở đâu. Đó là chưa kể đến sự thay đổi của cơ chế, chính sách, giá bồi thường không sát thực tế khiến các địa phương thực thi quy định pháp luật chưa đúng, dẫn đến khi phê duyệt phương án bồi thường, GPMB, quên mất tái định cư, nên nút thắt này trên thực tế rất khó xử lý. Vì vậy, để triển khai dự án đúng tiến độ và phát huy hiệu quả đầu tư, các bước này cần làm chặt chẽ, đồng bộ để có mặt bằng “sạch” cho nhà thầu thi công.

Chuyên đề