Miền Trung: Rộng dài những khát vọng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mỗi công trình được dựng xây trên đất nước Việt Nam đều mang trong mình những nỗi niềm riêng, nhưng tựu chung lại là hàm chứa những khát vọng đổi thay cho vùng đất đó. Miền Trung, dải đất quanh năm “giông bão lắt lay” cũng luôn khát vọng vươn lên mạnh mẽ cùng hai đầu đất nước, vươn tầm khu vực và hội nhập quốc tế. Một mùa xuân mới đang về giữa đất trời, nhiều công trình, dự án đã và đang tiếp tục được đầu tư sẽ đưa các địa phương xích lại gần nhau, tiến nhanh hơn đến những thành quả mới!
Những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm sẽ mở cánh cửa phát triển cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: Lê Tiên
Những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm sẽ mở cánh cửa phát triển cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: Lê Tiên

Theo chiều dài đất nước

Trong những giây phút tiễn biệt năm cũ để đón chào năm mới 2023, ông Hồ Nghĩa Dũng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về thăm và tặng quà cho Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hồng Sơn tại Quảng Ngãi. Trong câu chuyện về những đổi thay hạ tầng miền Trung trên hành trình cùng đất nước phát triển và hội nhập, ông khái quát ngắn gọn về một giai đoạn phát triển mạnh mẽ về hạ tầng mà Nhà nước đã và đang đẩy mạnh triển khai.

20 năm trước, từ hai đầu đất nước, nếu muốn đến với miền Trung, gần như chỉ có tuyến thông hành là Quốc lộ 1A. Trên hành trình thiên lý Bắc - Nam ấy, lúc thì lắt lẻo, dập dềnh tàu phà qua sông sâu, khi lại cheo leo trên lưng đèo hiểm trở... Cho đến sau những năm 2000, các công trình giao thông trọng điểm mang tính kết nối vùng bắt đầu được xây dựng đã rút ngắn khoảng cách, mở rộng không gian, tăng khả năng giao thương, hội nhập, “kéo” các địa phương xích lại gần nhau, cộng hưởng, sẻ chia và liên kết ở nhiều lĩnh vực.

Dấu ấn đầu tiên trên hành trình thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông qua “chiếc đòn gánh” miền Trung có lẽ là Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và song song đầu tư tuyến đường Hồ Chí Minh (hay còn gọi là Đường 559) phía Tây đất nước, tuyến ven biển Việt Nam chạy dài từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Mũi Cà Mau. Việc mở rộng tuyến quốc lộ huyết mạch đã đáp ứng được nhu cầu phát triển hạ tầng trong giai đoạn các quyết sách quan trọng cho miền Trung phát triển như thành lập các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, hệ thống hạ tầng sân bay và cũng là “nam châm” hút nhà đầu tư tìm đến với mảnh đất gian khó nhưng nhiều tiềm năng này.

Tuy nhiên, dấu ấn lớn nhất để kết nối miền Trung thành một dải xuyên suốt mà ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT chia sẻ trong những lần gặp gỡ với báo chí chính là sự hình thành các công trình hầm đường bộ. Nét son đầu tiên trên chặng đường chinh phục những ngọn đèo hiểm trở là công trình hầm đường bộ Hải Vân được hoàn thành vào năm 2006, làm tiền đề cho các nhà đầu tư trong nước tham gia đầu tư loạt công trình quan trọng khác, như hầm đường bộ Đèo Cả, hầm Cù Mông và gần đây nhất là hoàn thành mở rộng nhánh hầm đường bộ Hải Vân 2.

Những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm này không chỉ “lắp ghép” nên bức tranh hoàn thiện về hạ tầng giao thông mà còn làm động lực và thúc đẩy các dự án khác như: cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã đưa vào vận hành, khai thác; cao tốc La Sơn - Túy Loan, Cam Lộ - La Sơn qua các tỉnh Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng và sẽ khánh thành dịp chào đón mùa xuân mới 2023.

Và mùa xuân này, những đại công trường trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua miền Trung sẽ được khởi công xây dựng. Những âm thanh rộn rã của thiết bị, tiếng nói cười của người lao động trên công trường đang góp thêm những “nốt nhạc” vui tươi, rộn rã vào bản hòa tấu đất nước vào xuân.

Ông Huỳnh Kim Lập, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Tân đã có những sẻ chia mang tính dự báo rằng, tuyến cao tốc phía Bắc - Nam Đông sẽ đánh thức tiềm năng phát triển đô thị theo hình mẫu các đô thị ven cao tốc trên thế giới. Ngoài ra, cánh cửa phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung - Tây Nguyên sẽ thực sự rộng mở, vận chuyển quốc tế của Tam giác kinh tế Lào - Campuchia - Việt Nam qua Hành lang kinh tế Đông Tây đến các cảng biển miền Trung Việt Nam sẽ chưa bao giờ hiệu quả kinh tế đến thế!

Và dang rộng trên những cánh bay

Tiềm năng du lịch được khai phóng, mỗi năm dải đất miền Trung đón hàng triệu lượt du khách. Các hãng hàng không nội địa thiết lập nhiều đường bay cùng với hàng loạt các hãng bay nước ngoài mở đường bay đến Việt Nam khiến cho bầu trời miền Trung ngày càng đông vui, nhộn nhịp.

Nhu cầu đi lại bằng máy bay ngày càng lớn, hãng hàng không tăng chuyến, đội tàu bay tăng số lượng đã đặt áp lực lớn lên các cảng hàng không hiện hữu và đòi hỏi sớm được nâng cấp, mở rộng.

Từ phía Bắc Trung Bộ, tỉnh Thanh Hóa đã có Cảng hàng không Thọ Xuân; Nghệ An có Cảng hàng không Vinh; Quảng Bình có Cảng hàng không Đồng Hới đang được các địa phương này đề nghị Chính phủ cho phép nghiên cứu đầu tư, khai thác theo hình thức xã hội hóa. Thừa Thiên Huế với Cảng hàng không Phú Bài cũng đang bước vào giai đoạn hoàn thiện xây dựng nhà ga hành khách T2 với tổng mức đầu tư khoảng 2.250 tỷ đồng để kịp đưa vào khai thác phục vụ hành khách dịp Tết Quý Mão.

Đặc biệt, với vị trí địa lý là trung tâm vùng duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, Cảng hàng không Đà Nẵng bao gồm cảng nội địa và quốc tế đang phát huy vai trò là sân bay chiến lược kết nối nhiều chuyến bay đưa du khách và nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam.

Đi qua Quảng Nam là vùng đất Quảng Ngãi, địa phương này đang cùng Tập đoàn Sungroup nuôi tham vọng với giấc mơ xây dựng sân bay tại huyện đảo Lý Sơn để biến đảo này thành thiên đường du lịch Sentosa như của Singapore. Đi theo hướng Bắc - Nam, bên trong Quảng Ngãi, Bình Định đang thực hiện những chiến lược táo bạo với Đề án mở rộng Cảng hàng không Phù Cát đạt cấp 4C, công suất 5 - 7 triệu hành khách/năm, hướng đến mục tiêu phát triển thành cảng hàng không quốc tế. Động thái gần đây nhất của địa phương này là đề nghị Bộ Quốc phòng xem xét giao phần diện tích đất hơn 153,5 ha để bảo đảm nhu cầu sử dụng đất quy hoạch cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050...

“Rồi dập dìu mùa xuân theo én về/Mùa bình thường, mùa vui nay đã về”... Lời hát như gieo vào lòng người nghe một giao cảm, sẽ rất gần thôi có thể trên không phận Việt Nam, từng đoàn máy bay nối đuôi nhau như những bầy chim én chao liệng báo xuân sang. Dưới bầu trời ấy, là phương tiện nối đuôi nhau, tàu thuyền tấp nập vào ra cảng, minh chứng cho dòng chảy kinh tế cuồn cuộn mang theo những khát vọng, nụ cười viên mãn, niềm hạnh phúc vô bờ và bình an lan tỏa.

Chuyên đề