Men say xứ Mường

(BĐT) - Vùng đất Mường Vang, nơi chứa đựng những trầm tích văn hóa đặc sắc, nơi đã sản sinh ra truyền thuyết nổi tiếng “Đẻ đất, đẻ nước’’ cùng lời hẹn của người cán bộ văn hóa già và hương rượu cần ngọt nồng cứ mờ tỏ trong tâm thức tôi…
Rượu cần - một góc văn hóa được gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ
Rượu cần - một góc văn hóa được gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ

Đến với lòng mến khách

Ngày cuối năm tính theo lịch Mường, sương giá lảng bảng trùm khắp những thung lũng rực rỡ hoa đào. Giữ đúng lời hẹn đã rất lâu rồi giờ mới thực hiện, tôi đến với bản Kén vào một buổi chiều muộn để gặp người cán bộ văn hóa già “Mộc mạc như cây của núi Mường, và tràn trề tiếng cười như con suối đêm ngày róc rách”.

Chỉ để tôi kịp vục mặt vào cái sạp nước được làm bằng tre già nguyên cây, dẫn nước từ tít tận khe suối cao ngay đầu nhà để rũ bụi đường, ông đã ri rả: “Rượu cần là loại rượu truyền thống của các dân tộc ít người Hòa Bình, mang đậm bản sắc văn hóa riêng ở cách làm. Rượu không chưng cất nên nồng độ thấp, vị ngọt, mùi thơm”… và vội kéo tôi đến nhà một nghệ nhân ủ rượu khéo nhất bản Kén.

Quách Văn Hà là người con của dân tộc Mường, sinh ở xã Văn Nghĩa, huyện Lạc Sơn. Được coi là hạt nhân ca hát của bản Kén với giọng ca lanh lảnh như con chim ưỡn ngực hót mỗi sáng bên bờ suối, 16 tuổi, chàng trai có “suất” đi học ở Trường Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc. Tốt nghiệp ra trường, nhận công tác tại Đoàn văn công Tỉnh độ ba năm, Quách Văn Hà bất chợt được điều chuyển công tác về đúng nơi mình sinh ra với chức danh Phó Chủ tịch phụ trách văn xã.

Lần ở lớp tập huấn cán bộ văn hóa các tỉnh Đông, Tây Bắc tại Khách sạn Hồ Tây, Hà Nội do Bộ Văn hóa - Thông tin tổ chức. Tôi được giao là cán bộ điều phối lớp. Ông gặp tôi và ôm vò rượu cần dúi vào tay, gọi là chút quà miền rừng. Tôi ngại, không bởi lẽ có mặt nhiều người, mà hơn hết là chẳng biết uống rượu. Ông giữ lại. Buổi liên hoan chia tay lớp, ông ngồi cạnh tôi và dậy cách cầm cần rượu vít xuống, khom người và rít những hơi nồng thơm… rồi hẹn gặp ở bản Kén một ngày sớm nhất.

Vượt qua những mô đất không cao, nhưng cũng đủ làm chùn chân kẻ chỉ quen đi trên đường bằng. Chúng tôi đến, trèo đủ bảy bậc cầu thang, dẫn lên ngôi nhà sàn bà Hà Thị Thương, nghệ nhân mà tôi được giới thiệu. Trong nhà, khách thưởng thức thứ nước chè xanh sánh đặc bên bếp lửa, bà Thương vẫn cặm cụi tẽ chỗ gạo được nấu chín ra trộn với những mẩu bánh men, cho vào một chiếc gùi.

Tiếng lách cách phát ra từ bộ xà tích đeo nơi cổ tay người phụ nữ Mường đã hơn sáu chục tuổi, nhưng những động tác vẫn còn thuần thục. Cơm được ủ sau một đêm trong gùi và lấy ra làm nguội. Sau đó, cơm sẽ được cho vào một cái ché đất nung tráng lớp men mầu da lươn, đậy kín để lên men. Dưới đáy ché là lớp trấu, rồi sẽ đến một lớp hỗn hợp nguyên liệu.

Giai đoạn lên men kéo dài độ một tháng và lượng cơm rượu trong ché sẽ vơi bớt. Lúc này có thể cho nước vào sử dụng, nhưng để ngon hơn có thể cho ché rượu trải qua giai đoạn tạo hương. Rượu cần được gọi là ngon phải là thứ rượu  có hương thơm khi nhấp vào đầu lưỡi. Nhấp môi lần đầu, rượu có vị thơm, ngọt.

Chào bà Thương để quay lại con đường cũ oằn mình cõng cái bóng tối dầy đặc của núi rừng. Tôi cảm nhận, một góc văn hóa Mường như được giấu kỹ trong ché rượu màu da lươn đơn sơ của người nghệ nhân già Hà Thị Thương. 

Hương “Bơ hinh ho”

Hồn cốt của bất cứ thứ rượu nào đều được tạo nên bởi chất men, và đối với rượu cần bản Kén cũng không không nằm ngoài lẽ ấy. Những bánh men bản Kén trắng đục, tựa chiếc bánh dày được làm từ nhiều loại lá, củ cây của đại ngàn, như: riềng gió, lá trầu không, lá nhạnh… và một số cây mang cái tên là lạ “Bơ hinh ho’’, “Khi mắc cái’’. Các loại lá, củ này đều chứa tinh dầu sẽ được phơi khô, giã nhỏ rây thành bột rồi đem trộn với bột gạo, thóc xay mịn, quật dẻo, nặn thành bánh đem sấy khô để bảo quản.

Tỷ lệ các loại và sự thay đổi thêm bớt về số lượng lá, củ làm men sẽ quyết định hương vị, độ thơm của rượu. Đây cũng là bí quyết riêng được các thế hệ ông, bà trong mỗi gia đình bản Kén truyền lại cho con cháu. Ngoài ra, quá trình làm bánh men còn phụ thuộc vào mùa trong năm, có mùa thích hợp cho việc thu hái lá, củ; có mùa lại không thu hái được vì chúng không mọc. Vì vậy ông Hà cho biết, các gia đình thường dự trữ lượng men để có thể dùng trong năm.

Nhằm thỏa mãn sự tò mò của tôi về một trong những loài cây góp mặt trong những thành phần tạo lên bánh men, đang ra hoa kết trái thời điểm này. Sáng, chừng sáu giờ, ông Hà dẫn tôi đi xem cây “Bơ hinh ho”.

Leo cao đến tận lưng núi, giữa lúc những áng mây mù vẫn quất quýt khắp nơi,  phạt một cây thân nhỏ có nhiều nhánh khẳng khiu mầu nâu sậm với những sợi lông li ti, ông đặt lên tay và đưa sát vào tôi, những giọt nước tích tụ từ trong thân ruột tiết ra một mùi ngai ngái, tinh khiết dễ làm người ta có được cảm giác khoan khoái lạ thường.

Giờ tôi mới hiểu, nhiều cơ sở sản xuất bánh men làm sẵn ở cả Huyện này chưa thể phát triển, có lẽ bởi tính truyền thống của sản phẩm là khó thay thế được. Mỗi vùng luôn có cách làm men riêng, để tạo ra mùi vị rượu khác nhau. Nguồn nguyên liệu mà mỗi dân tộc sử dụng xuất phát từ điều kiện tự nhiên, cách thức riêng. Ai đó có thể thay đổi thành phần nguyên liệu, tỷ lệ phối trộn nhưng dứt khoát, sẽ mất đi hương vị ngàn xưa. 

Không muốn rời Mường Vang

Bữa cơm chia tay diễn ra khi ánh trăng ngàn đất Mường cổ bắt đầu hắt qua những lan cửa gỗ của căn nhà sàn ngay cạnh sát bếp lửa. Chẳng rườm rà mâm, đĩa; món thịt lợn được xếp thành vòng tròn trên mấy tàu lá chuối và một số loại rau đắng đồ, nghe tên lạ hoắc, thêm đĩa măng sâu xào mập tròn.

Gắp miếng thịt chấm với thứ muối rang hạt dổi lai rai và rít những hơi rượu cần sâu dài. Đêm miền rừng yên ả, chỉ trừ tiếng tiếng lép bép sôi của nồi canh đắng nấu từ cây chẩu với ruột cá trên bếp lửa và lời anh cán bộ văn hóa xã Văn Nghĩa cùng góp mặt trong tiệc vui: ‘Trên rừng cây gỗ quý hiếm là cây có lõi, và  nơi chúng ta đang ngồi chính là vùng lõi của đất Mường vì châu Lạc Sơn xưa được coi là một trong những trung tâm văn hóa cổ”.

Với sự giải thích tiếp sau của anh cán bộ, tôi hiểu trong bốn Mường cổ chỉ có Mường Vang là “Thông thủy” với tất cả vùng đất có đông đồng bào Mường sinh sống và lấn sang cả xứ Thanh, nhờ những con suối đan xen chảy qua các bản trong vùng; để theo một dòng sông nào đó tìm vào đất Thanh Hoá và rồi đổ vào dòng sông Mã; cùng hoà chung nguồn nước mà ra với biển Đông. Sự “Thông thủy” về địa lý, chính là sự gắn kết của cả một nền văn hoá Mường. Dấu ấn ấy, đã được ghi đậm trong nhiều câu chuyện dân gian, trong đó có truyền thuyết “Đẻ đất - Đẻ nước”.

Chẳng mấy khi tôi uống nhiều rượu và say, rượu ràn rạt cổ họng. Rượu cứ vậy mà lan ra mãi, như những cánh hoa đào đang tràn vào khắp các bản Mường đón xuân về.

Chia tay người cán bộ văn hóa già để xuôi về phố. Tôi cảm nhận, cảnh sắc nguyên sơ của thiên nhiên và những giá trị văn hóa truyền thống đất Mường cổ, trong đó có thứ rượu cần ngọt nồng cũng đã được phát huy và là “chìa khóa” để người dân nơi đây tiếp cận nghề mới - “Du lịch cộng đồng”.  Đây cũng là điểm nhấn để bản Kén kéo bạn bè khắp nơi về với mình và là một dấu ấn khó phai với ai tìm đến với mảnh đất này.    

Chuyên đề