Mặt bằng cản tiến độ các dự án ngành điện phía Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vướng mắc về mặt bằng thi công đã ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án của ngành điện lực tại khu vực phía Nam. Thêm vào đó, những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã kéo giảm nỗ lực vượt khó của chủ đầu tư, nhà thầu.
Ngoài vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ một số công trình điện ở các tỉnh phía Nam còn bị chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Tâm An
Ngoài vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ một số công trình điện ở các tỉnh phía Nam còn bị chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Tâm An

Theo Tổng công ty Điện lực miền Nam, đường dây 110kV Năm Căn - Khai Long và trạm 110kV Rạch Gốc là 2 công trình nằm trong quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Cà Mau đã được Bộ Công Thương phê duyệt, do Tổng công ty Điện lực miền Nam làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư trên 213 tỷ đồng.

Được khởi công từ tháng 1/2020 nhưng do vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) nên công trình mới hoàn tất bàn giao mặt bằng vào 15/8/2021.

Chủ đầu tư cho biết, do công trình có 45 trong số 47 vị trí trụ nằm trên đất rừng sản xuất nên mất nhiều thời gian cho thủ tục xin chủ trương về GPMB. Đến ngày 15/8/2021, toàn bộ mặt bằng tuyến mới được bàn giao.

Tuy nhiên, thi công trong thời gian bùng phát dịch Covid-19 đã làm nảy sinh rất nhiều khó khăn đối với chủ đầu tư và nhà thầu. Cụ thể, do các địa phương giãn cách xã hội nên các đại lý vật liệu xây dựng tại địa phương đều đóng cửa. Ngoài ra, giá sắt thép liên tục tăng làm việc cung ứng vật liệu xây dựng cho công trình hết sức khó khăn. Đặc biệt, tỉnh Cà Mau có ít đại lý vật liệu xây dựng lớn và cơ sở đúc cọc bê tông để thi công cho các trụ vượt sông. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho việc thi công 2 trụ vượt sông Cái Lớn.

Trong khi đó, một số vật tư, thiết bị như dây dẫn, cách điện phụ kiện, thiết bị như máy cắt, dao cách ly… đều được mua sắm từ trước nhưng không thể vận chuyển đến công trường do địa phương áp dụng giãn cách xã hội. Cuối tháng 8/2021, các vật tư này mới được chuyển về công trường.

Trong khi đó, công tác điều động bổ sung nhân lực cho quá trình thi công, nhất là lực lượng lao động có tay nghề cao hầu như không thể thực hiện được do các địa phương không cho người lao động đi ra hoặc vào địa bàn. Do đó lực lượng thi công trên công trường chủ yếu là lao động đã tập kết từ tháng 4/2021 và lao động địa phương.

Ngoài ra, tại Cà Mau, do tính chất cấp bách của công trình đóng điện hòa lưới cho Nhà máy Điện gió Tân Ân và Nhà máy Điện gió Viên An vào ngày 20/10/2021, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã có văn bản gửi UBND tỉnh Cà Mau đề nghị hỗ trợ giải quyết vướng mắc trong công tác GPMB. Tổng công ty đang rất quyết tâm hoàn thành công trình, đóng điện đúng tiến độ đề ra.

Một dự án khác của ngành điện là Dự án 110kV giải tỏa năng lượng điện gió Hòa Thắng - Bình Thuận cũng đang gặp rất nhiều trở ngại liên quan đến mặt bằng. Theo dự kiến, công trình kéo dây mạch 2 đường dây 110kV Mũi Né - Hòa Thắng - Lương Sơn sẽ đấu nối Dự án Nhà máy Năng lượng gió Hòa Thắng 2.2 vào lưới điện quốc gia trước ngày 31/10/2021. Tuy nhiên đến nay công trình mới thực hiện kéo rải dây 24,5 km, còn lại 3,4 km chưa thi công, gồm khoảng trụ 38 - 50 do người dân cản trở, yêu cầu bồi thường mức giá ngoài quy định và khoảng trụ 1A - 01 sẽ kéo dây trong ngày cắt điện chuyển đấu nối và đóng điện nghiệm thu.

Mặc dù đây là công trình đã có đầy đủ tính pháp lý và chủ trương của các cấp có thẩm quyền về công tác bồi thường đất móng trụ; về công tác bồi thường hành lang tuyến. Tuy nhiên, khi đơn vị thi công triển khai công tác dựng trụ, kéo dây thì nhiều hộ dân vẫn không đồng thuận, gây chậm tiến độ công trình.

Mặc dù các hộ dân đã được chính quyền địa phương vận động nhưng vẫn không đồng ý cho thi công, cản trở nhà thầu triển khai. Để sớm thi công hoàn thành công trình, Chủ đầu tư đã phải đề nghị UBND huyện Bắc Bình hỗ trợ bố trí lực lượng bảo vệ thi công. Tuy nhiên, UBND Huyện lại chưa xem xét phương án bảo vệ thi công, chỉ đạo tiếp tục vận động để người dân đồng thuận cho thi công kéo dây.

Chuyên đề