Mạng xã hội đứng trước nhiều thách thức

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Facebook, Instagram, Youtube, TikTok… những nền tảng mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống và thói quen hằng ngày của nhiều người trong thế giới hiện đại. Tuy nhiên, các nền tảng mạng xã hội phải hứng chịu sự chỉ trích của cả giới chính trị và dư luận xã hội kể từ năm 2021 cho tới nay và tình thế nhiều khả năng còn xấu hơn.
Từ năm 2021 đến nay, các nền tảng mạng xã hội hứng chịu nhiều chỉ trích do thông tin không chính xác về dịch bệnh, vaccine, kích động bạo lực, gây chia rẽ. Ảnh St: Tường Lâm
Từ năm 2021 đến nay, các nền tảng mạng xã hội hứng chịu nhiều chỉ trích do thông tin không chính xác về dịch bệnh, vaccine, kích động bạo lực, gây chia rẽ. Ảnh St: Tường Lâm

Mạng xã hội liên tiếp chịu trận

Cuộc khủng hoảng của các nền tảng mạng xã hội bắt đầu từ đầu tháng 1/2021. Trước tiên, có ý kiến cho rằng việc các nền tảng truyền thông xã hội không tích cực ngăn chặn thông tin sai lệch và kích động bạo lực là một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ bạo loạn Đồi Capitol. Sau đó, Twitter, Facebook và YouTube đồng loạt “cấm cửa” cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, làm dấy lên không ít quan ngại về quyền lực của mạng xã hội.

Tiếp theo đó, năm 2021 là chuỗi dài của những thách thức liên tiếp khi đại dịch càn quét toàn cầu, mạng xã hội trở thành nơi kết nối, nhưng đồng thời cũng là nơi lan tỏa nguồn tin sai sự thật, không được kiểm chứng…

Các nền tảng mạng xã hội, nổi bật là Facebook không ngừng bị chỉ trích do thông tin không chính xác về dịch bệnh, vaccine, gây chia rẽ… Facebook sau đó tiếp tục dính bê bối Cambridge Analytica làm rò rỉ dữ liệu của hàng chục triệu người dùng, khiến CEO Zuckerberg phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ.

Trong bối cảnh này, các ông lớn mạng xã hội đều phải tìm cách “thoát vây”. Facebook đổi tên thành Meta. Giải thích cho quyết định tái cấu trúc và đổi tên mô hình công ty, Mark Zuckerberg cho biết, đây là động thái để giúp doanh nghiệp này thoát khỏi cái bóng của một công ty mạng xã hội đơn thuần, với ý tưởng đầu tư xây dựng một "đa vũ trụ ảo" (metaverse). Theo đó, Facebook và các dịch vụ trước đây như Instagram, WhatsApp, Oculus… sẽ trở thành một công ty con của Meta.

Mới đây, chỉ trong vòng 1 tháng, Meta đã chia tay 3 lãnh đạo cấp cao của mình, bao gồm Sheryl Sandberg, Giám đốc mảng AI Jerome Pesenti và người đứng đầu bộ phận kỹ thuật và cơ sở hạ tầng, David Mortenson.

Trong khi đó, Jack Dorsey, CEO Twitter từ chức, để lại “đế chế” do mình sáng lập, cũng như tham vọng xây dựng một phiên bản mạng xã hội khác biệt cho một lãnh đạo ít tên tuổi khác tiếp tục chèo lái. Dù Twitter khá phổ biến với đối tượng người nổi tiếng, chính trị gia và truyền thông, đây vẫn được xem là mạng xã hội ít có sự sáng tạo, đổi mới so với các đối thủ như Facebook, Snapchat và TikTok. Nền tảng mạng xã hội này gần như “giữ nguyên” trong nhiều năm.

Liên minh châu Âu đang soạn các quy định mới nhằm ngăn chặn các công ty công nghệ “bắt chẹt” đối thủ ít tên tuổi, buộc các mạng xã hội có nghĩa vụ kiểm soát và gỡ bỏ nội dung có hại, cho phép người dùng kiểm soát việc thông tin cá nhân đang bị mạng xã hội khai thác cho mục tiêu bán quảng cáo…

Một sự kiện thu hút sự chú ý trên toàn cầu gần đây là việc Elon Musk, tỷ phú công nghệ thích chơi ngông liên tiếp đưa ra thông tin mua - ngừng mua Twitter. Có quá nhiều vấn đề được đặt ra với thương vụ này. Với nhà quản lý, làm cách nào để kiểm soát một nền tảng mạng xã hội có sức ảnh hưởng lớn dưới sự điều hành của vị tỷ phú luôn có những hành động không thể đoán trước và không loại trừ khả năng sử dụng mạng xã hội để thao túng các biến động thị trường…? Với người sử dụng, Elon Musk sẽ tạo nên những thay đổi nào cho Twitter?...

TikTok, nền tảng mạng xã hội mới nổi với tệp khách hàng trẻ cũng đối diện những thử thách riêng. Dù Chính phủ Mỹ dưới thời ông Biden đã bác bỏ ý định cấm ứng dụng TikTok của ông Trump, nhưng việc siết chặt quy định vẫn diễn ra. Cụ thể, ông Biden đã ký sắc lệnh yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ giám sát các ứng dụng như TikTok và Wechat với các nội dung liên quan tới an ninh quốc gia, cũng như bảo vệ dữ liệu Mỹ khỏi các công ty nước ngoài. Câu chuyện về bảo vệ dữ liệu và sự nhạy cảm trong mối quan hệ Trung - Mỹ sẽ còn khiến TikTok đau đầu trong thời gian tới.

Điều gì đón chờ trên con đường sắp tới?

Có 3 vấn đề nổi cộm đang đặt ra với các nền tảng mạng xã hội trong chặng đường phát triển tiếp theo và việc vượt qua những vấn đề này sẽ quyết định tương lai của các đế chế mạng xã hội.

Thứ nhất, hiện tại, các nhà quản lý trên toàn cầu đều chung một ý chí: các công ty công nghệ (sở hữu mạng xã hội) đang quá quyền lực. Giới chức muốn buộc các mạng xã hội phải kiểm soát và gỡ nội dung gây hại.

Chính phủ Mỹ đã đưa vào áp dụng một số quy định nhắm tới nhóm công ty công nghệ lớn, từ việc buộc nền tảng mạng xã hội chịu trách nhiệm với các thông tin liên quan tới vấn đề y tế/sức khỏe, yêu cầu các công ty cập nhật quy định pháp lý và nghiên cứu khoa học vào các điều khoản bắt buộc khi sử dụng mạng xã hội… Nhiều chính trị gia còn muốn trao thêm quyền lực cho Bộ Tư pháp, nơi kiểm soát các công ty công nghệ lớn...

Trong khi đó, giới chức khu vực châu Âu ở tâm thế sẵn sàng “đối đầu” các gã khổng lồ công nghệ. Liên minh châu Âu đang soạn các quy định mới nhằm ngăn chặn các công ty công nghệ “bắt chẹt” đối thủ ít tên tuổi, buộc các mạng xã hội có nghĩa vụ kiểm soát và gỡ bỏ nội dung có hại, cho phép người dùng kiểm soát việc thông tin cá nhân đang bị mạng xã hội khai thác cho mục tiêu bán quảng cáo…

Tại Anh, chính phủ nước này thiết lập quy định mới về việc các ứng dụng được thiết kế cho trẻ em phải bao gồm cung cấp quyền kiểm soát cho phụ huynh, loại bỏ theo dõi vị trí và giới hạn dữ liệu được thu thập… Các công ty bao gồm Instagram, TikTok và YouTube đã thay đổi tuân theo các quy định mới tại Anh. Thời gian tới, các nền tảng mạng xã hội phải đối diện với việc tuân thủ nhiều quy định với sự khác biệt tại nhiều khu vực.

Thứ hai, với các nền tảng mạng xã hội, từ Instagram cho tới TikTok và Snapchat, đối tượng trẻ em, vị thành niên, thanh niên luôn là nhóm khách hàng trọng tâm. Trong khi đó, câu chuyện sử dụng mạng xã hội của nhóm đối tượng này ngày càng được quy định khắt khe. Việc Instagram xây dựng một phiên bản dành riêng cho trẻ em dưới 13 tuổi nhận về sự chỉ trích từ các bậc phụ huynh và nhà quản lý. Dưới nhiều áp lực, Instagram buộc phải tạm ngừng dự án, nhưng vẫn đưa ra tín hiệu sẽ tiếp tục theo đuổi kế hoạch một cách phù hợp hơn.

Thứ ba, một cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ lại sắp đến. Các nền tảng xã hội đã nếm đủ trái đắng sau cuộc bầu cử gần nhất và hiện vẫn chưa thể tìm cách để lịch sử không gặp lại. Hiện tại, nhiều báo cáo đã chỉ ra việc sử dụng mạng xã hội để lan truyền tin giả, gây chia rẽ, gây nhầm lẫn… trở nên phổ biến đối với các nhóm anti-vaccine (chống lại vaccine), nhóm hoạt động cực đoan, tổ chức chống lại nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu…

Đây là lý do những nhà quản lý thúc giục việc thông qua quy định buộc các nền tảng xã hội phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn nội dung sai trái, độc hại… Trong khi đó, dư luận lại muốn quyền tự do phát ngôn, nhất là phát ngôn trên mạng xã hội. Các nền tảng xã hội sẽ tiếp tục đứng giữa 2 “thế lực” mà mọi động thái đều phải dè chừng.

Trong thời gian tới, tăng trưởng chính là bài toán khó đối với các nền tảng mạng xã hội khi có quá nhiều vấn đề phải đối mặt và việc làm thỏa mãn người dùng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Theo đó, các nền tảng mạng xã hội buộc phải gắng sức để bảo đảm khả năng “sinh tồn”, mà số phận của các ông lớn sẽ ra sao vẫn chưa thể biết trước.

Chuyên đề