Mai Linh và Vinasun lỗ nặng vì dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chủ sở hữu thương hiệu Mai Linh và Vinasun là hai "kỳ phùng địch thủ" trên thị trường taxi, từng ganh đua giành ngôi vương trong giai đoạn trước năm 2016. Nhưng khi tỷ lệ sở hữu ô tô của người Việt tăng lên và đặc biệt là sự xuất hiện của các ứng dụng gọi xe công nghệ, các hãng taxi rơi vào cảnh khốn đốn. Thêm nữa, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Mai Linh và Vinasun đều ghi nhận những khoản lỗ lớn trong 2 năm gần đây.
Công ty CP Ánh Dương Việt Nam, chủ thương hiệu taxi Vinasun bắt đầu có lãi trở lại trong quý I/2022 sau 8 quý lỗ liên tiếp. Ảnh: Lê Tiên
Công ty CP Ánh Dương Việt Nam, chủ thương hiệu taxi Vinasun bắt đầu có lãi trở lại trong quý I/2022 sau 8 quý lỗ liên tiếp. Ảnh: Lê Tiên

Báo cáo thường niên của Công ty CP Tập đoàn Mai Linh cho biết, do hạn chế tối đa dịch vụ vận tải liên vùng để chống dịch, năm 2021, vận chuyển hành khách giảm 33%, luân chuyển hành khách giảm 42% so với năm 2020, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Doanh thu hoạt động vận tải giảm sút nghiêm trọng, Mai Linh đã triển khai một số ngành nghề mới như logistics, bảo hiểm…, khai thác tối đa hệ sinh thái của Công ty.

Dù áp dụng mô hình vận hành tinh gọn, chủ động cắt giảm chi phí không cần thiết, tiết giảm hơn 771 tỷ đồng so với năm 2020 nhưng Báo cáo tài chính năm 2021 vừa được Mai Linh công bố cho thấy kết quả thua lỗ 254 tỷ đồng. Đây là mức lỗ lớn nhất của Công ty trong suốt quá trình hoạt động. Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020, Mai Linh báo lỗ 173 tỷ đồng. Trong khi trước đó, Công ty vẫn có lãi trước thuế 17,5 tỷ đồng năm 2018 và 2 tỷ đồng năm 2019.

Chủ thương hiệu taxi Vinasun, Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Corp), cũng bị thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong 2 năm 2020 và 2021, Công ty ghi nhận khoản lỗ kỷ lục lần lượt 210 tỷ đồng và 276 tỷ đồng.

Vinasun Corp cho biết, năm 2021, đại dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát trở lại đã ảnh hưởng đến hoạt động của Công ty. Thực hiện quy định, chỉ thị về giãn cách xã hội tại các địa phương, hoạt động vận tải hành khách của Vinasun Corp tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam (địa bàn hoạt động chính của Công ty) gần như đóng băng hoàn toàn.

Bên cạnh đó, chi phí vận hành lớn (chi phí vận hành bộ máy, đầu tư hạ tầng, bến bãi, chi phí nhân sự, nguyên, nhiên liệu đầu vào…) gây khó khăn trong việc cạnh tranh về giá trên thị trường. Ngoài ra, Công ty cũng đang đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn từ các tập đoàn nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh, dễ dàng thu hút khách hàng thông qua hàng loạt chính sách ưu đãi, khuyến mãi liên tục.

Từ khi dịch bệnh được kiểm soát, Vinasun Corp bắt đầu có lãi trở lại trong quý đầu năm nay sau 8 quý lỗ liên tiếp. Cụ thể, Công ty ghi nhận 164,4 tỷ đồng doanh thu và lãi trước thuế gần 12,5 tỷ đồng trong quý I/2022. Chủ thương hiệu Vinasun đặt mục tiêu doanh thu 638 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 27,32 tỷ đồng trong năm nay.

Còn Tập đoàn Mai Linh dự kiến đạt 1.673 tỷ đồng doanh thu và 38 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2022 trong bối cảnh giá xăng dầu tăng tác động mạnh đến hoạt động của doanh nghiệp và giá dịch vụ vận chuyển. Báo cáo thường niên của Mai Linh cho biết, hiện nay, kinh doanh taxi đã có tín hiệu phục hồi. Mai Linh đang đầu tư phương tiện, phát triển taxi công nghệ, tăng cường hợp tác kinh doanh, đẩy mạnh dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa, logistics. Tàu cao tốc Mai Linh Express bắt đầu vận hành trở lại 100% công suất tuyến Cần Thơ - Côn Đảo. Sắp tới, Công ty tiếp tục mời gọi đầu tư để đóng thêm tàu cao tốc hiện đại, phát triển vận tải đường thủy, nối biển đảo với đất liền.

Chuyên đề