Ma trận “phù phép” hợp đồng tương tự

(BĐT) - Hợp đồng tương tự để chứng minh năng lực là một trong những yêu cầu chính yếu với bất kể nhà thầu nào muốn trúng thầu. Chính vì tính chất quan trọng này quyết định sự thành bại của nhà thầu khi dự thầu nên đã và đang xảy ra tình trạng gian lận, “tô vẽ” hợp đồng tương tự. Cần có đánh giá đúng mức về hành vi này để chấn chỉnh công tác đấu thầu.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Thật mà không thật

Đến thời điểm hiện tại, câu chuyện giả mạo hợp đồng tương tự khi dự thầu của nhà thầu đã diễn biến phức tạp hơn rất nhiều so với trước đây.

Nếu như thời gian trước đây, có những hợp đồng tương tự được nhà thầu cung cấp là giả hoàn toàn, giả từ con dấu, chữ ký và giá trị thực thi công, cung cấp hàng hóa, thì đến nay, mánh lới này bị các nhà thầu “chê” và cho rằng “lạc hậu” và kém an toàn do bất kể lúc nào cũng có thể bị “sờ gáy” bởi cơ quan chức năng.

Khoảng 3 năm trở lại đây, theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, hành vi giả mạo hợp đồng tương tự đã tinh vi hơn rất nhiều. Có trường hợp, vì mục đích trúng thầu, nhà thầu cung cấp những hợp đồng tương tự có con dấu, chữ ký thật, còn toàn bộ phần còn lại là giả mạo. Tức tất cả những giá trị thi công xây lắp, hàng hóa, hóa đơn, chứng từ, biên bản nghiệm thu, thanh quyết toán… đều là giả.

Một nhà thầu đã chia sẻ cho Báo Đấu thầu những thủ đoạn “phù phép” này: “Với mối quan hệ sẵn có trong tay, nhà thầu hoàn toàn có thể tự tạo dựng những hợp đồng tương tự thật mà không thật như trường hợp nêu trên một cách dễ dàng. Chỉ cần con dấu, chữ ký thật của một đơn vị thân quen là có thể “tô vẽ” năng lực cho nhà thầu để đi dự thầu” - một nhà thầu chia sẻ.

Theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, một gói thầu đang tổ chức lựa chọn nhà thầu tại An Giang là điển hình của hành vi này. Theo đó, một liên danh nhà thầu địa phương đã cung cấp hợp đồng tương tự là thi công 1 công trình tại TP.HCM. Hợp đồng này có giá trị tương ứng với yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT). Tuy nhiên, theo website của một nhà thầu khác có địa chỉ tại TP.HCM, công trình mà nhà thầu tại An Giang cung cấp hợp đồng tương tự lại do chính nhà thầu TP.HCM trực tiếp thi công. Đáng nói, công trình đã hoàn thành từ năm 2012. Như vậy, ngoài chữ ký, con dấu trên hợp đồng, hợp đồng tương tự này đã bị sửa cả thời gian thi công nhằm khớp với yêu cầu của HSMT.

Tại Bến Tre, câu chuyện gần như tương tự đã buộc tỉnh này ra quyết định cấm thầu 3 năm đối với nhà thầu gian lận. Một nhà thầu tại TP.HCM đã cung cấp 2 hợp đồng tương tự cung cấp hàng hóa giá trị đều trên 10 tỷ đồng và được chấm trúng thầu. Khi có đơn khiếu nại của các nhà thầu, tỉnh Bến Tre đã vào cuộc và lột trần chân tướng việc hai hợp đồng tương tự nói trên đã được “tô vẽ”, giả mạo hoàn toàn giá trị bởi “mối thân quen” giữa nhà thầu và vị hiệu trưởng đặt bút ký hợp đồng.

Cần chấn chỉnh, xử lý nghiêm

Theo thống kê của Báo Đấu thầu, hiện chưa có nhiều nhà thầu bị xử lý nghiêm về hành vi giả mạo hợp đồng tương tự trong đấu thầu. Và tại sao ít khi những vụ việc giả mạo hợp đồng tương tự bị phanh phui? Trường hợp nhà thầu gian lận có sự “bao bọc” của chủ đầu tư thì sự giả mạo này sẽ đương nhiên được công nhận, thậm chí luôn “nằm trong vòng bí mật” để nhà thầu gian lận trúng thầu.

Chỉ những trường hợp chủ đầu tư thực sự khách quan khi đánh giá HSDT, muốn đánh giá đúng năng lực của nhà thầu mới có những bước đi cẩn trọng khi đánh giá hợp đồng tương tự. Hoặc đích thân các nhà thầu phải tự mày mò, xác minh và tố cáo đích danh đến các cơ quan liên quan hành vi giả mạo hợp đồng thì mới có sự vào cuộc quyết liệt. Như vậy, vì nhiều lý do, việc giả mạo hợp đồng tương tự mặc nhiên tồn tại, mặc nhiên giúp cho các nhà thầu yếu kém trúng thầu.

Theo một nhà thầu xây lắp lớn tại TP.HCM, việc xác minh tính xác thực của hợp đồng tương tự không khó, vấn đề là chủ đầu tư có muốn làm hay không. Trong khi đó, các nhà thầu cũng quan ngại khi kỷ cương về đấu thầu đang bị nhiều chủ đầu coi nhẹ và bất chấp để bao che, dung túng cho hành vi  gian lận của nhà thầu. Thậm chí, sau khi nhà thầu trúng thầu, thi công bê bối, chủ đầu tư bất đắc dĩ chấm dứt hợp đồng thì đổ lỗi do năng lực của nhà thầu chứ không có trách nhiệm giải trình về việc lựa chọn nhà thầu này trước đó.

Chuyên gia đấu thầu Phạm Minh Yến thuộc Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu (Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư)  cho biết, có những văn phòng công chứng chứng thực những tài liệu, hợp đồng tương tự giả mạo. “Hành vi này khiến chất lượng lựa chọn nhà thầu nhiều nơi chưa đảm bảo. Chất lượng thi công, chất lượng cung cấp hàng hóa yếu kém cũng bắt nguồn từ những nhà thầu gian lận nhưng được bảo kê này”, bà Yến cho biết.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư